Người dân mua dưa hấu tại siêu thị Hapro Thành Công (Hà Nội) - Ảnh: LÊ NAM
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam, như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, cam, cho tới các mặt hàng thủy sản như tôm, cua… đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ nông sản do không tiêu thụ được diễn ra từ vườn cây, hồ, đầm cho tới các cửa khẩu đã khiến nhiều nông dân điêu đứng, thậm chí phá sản, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Trước tình hình đó, nhiều cá nhân, tổ chức ở các địa phương thực hiện chiến dịch kêu gọi “giải cứu” nông sản như là động thái chia sẻ với người nông dân trong hoàn cảnh khó khăn này. Điều này là cần thiết và phù hợp trong thời điểm khó khăn hiện nay, giúp người nông dân giảm phần nào thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phương án này chỉ mang tính tình thế và không mang lại hiệu quả lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu nông sản. Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới dẫn đến ùn ứ, dư thừa hàng nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau khiến biện pháp giải quyết đầu ra cho nông sản thông qua “giải cứu” đã trở nên quen thuộc. Thực tế người nông dân vẫn chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp nổi chi phí sản xuất.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc ùn ứ nông sản, không tiêu thụ được là do công tác nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời, thiếu sự hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất, dẫn đến tại nhiều địa phương, nông dân vẫn sản xuất hàng hóa theo kiểu “tù mù”, theo phong trào mà không có định hướng, chiến lược cụ thể. Thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì có một xu hướng là nhiều nông dân thấy một loại nông sản nào đó được giá đã đổ xô vào sản xuất, dẫn đến dư thừa và thường xuyên bị các tiểu thương ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí đổ bỏ.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất lạc hậu, manh mún cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bảo đảm. Chất lượng nhiều nông sản sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của không chỉ thị trường quốc tế mà còn cả ngay tại thị trường Việt Nam. Mặt khác, do công nghệ lạc hậu cho nên chi phí sản xuất trong nông nghiệp của nước ta còn rất cao. Vì vậy, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước.
Cũng chính từ những hạn chế về công nghệ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi quanh năm nên vào những thời điểm chính vụ, cung tăng mà cầu không tăng, trong khi công nghệ bảo quản, chế biến nông sản của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế khiến các sản phẩm nông nghiệp như hoa quả tươi bị dư thừa vào chính vụ. Bởi vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân và đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản.
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tập trung nhiều vào Trung Quốc. Vẫn biết, với thị trường có hơn 1,4 tỷ người và là láng giềng của Việt Nam thì chúng ta cần phải tận dụng lợi thế này. Tuy nhiên, nếu để tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa quá lớn, nhất là nông sản vào một quốc gia thì khi có biến động về kinh tế, chính trị, xã hội dễ gặp rủi ro. Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường mới cho nông sản, cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp nhu cầu và thị hiếu của thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị và chủ động trong khâu tiêu thụ.
Các chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của nông dân, nhất là tìm giải pháp hữu hiệu trong việc tìm đầu ra cho nông sản một cách bền vững, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi.