Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền bắt đầu như vậy trong buổi thảo luận ở tổ của QH về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 diễn ra sáng qua (1.11). Theo ĐB thì thực trạng trên không thể khẳng định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã thành công.
Khu công nghiệp Vân - Trung (Bắc Giang) chỉ là bãi đất hoang trong nhiều năm. |
Lợi ích nhóm, lợi ích ngành điều chỉnh cả quy hoạch
Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, có hai điều quan trọng nhất trong Luật Đất đai, đó là điều kiện để thực hiện 6 quyền của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất và những tiêu chí để quy hoạch và đặt kế hoạch sử dụng đất. Đây là hai điều kiện mà nếu không có thì Nhà nước sẽ mất quyền kiểm soát về đất đai. Mặc dù Luật Đất đai 1993 đã đưa ra, sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2003 - 2004 nhưng những tiêu chí đó cho đến nay vẫn không rõ, nên việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn rất chung chung và rất nhiều kẽ hở. “Có khu công nghiệp không ai vào, có sân bay nằm chết đó, có cảng biển không có tàu cập bến.
Đó là lợi ích nhóm, là tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương” - ĐB Quyền nhấn mạnh. Dẫn lại phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong lần xuống làm việc với huyện Từ Liêm “bao nhiêu dự án chúng ta còn bố trí được đất, lẽ gì nhà trẻ, trường mầm non lại không tìm được đất?”, ĐB Quyền thắc mắc: “Quy hoạch kiểu gì mà lạ vậy. Tại sao đất trụ sở các cơ quan, trường học xin mãi không được, trong khi các dự án bất động sản cứ ầm ầm được cấp đất. Quy hoạch bất cập, quy hoạch không thành công nhưng không ai phải chịu trách nhiệm”. Cũng theo ĐB thì chúng ta đang chống ùn tắc giao thông. Trong khi hàng nghìn hécta đất dành cho di dời các trường đại học trên Hòa Lạc, quy hoạch hàng chục năm nay vẫn không làm gì cả.
Đây chính là minh chứng cho việc quy hoạch không thành công và lãng phí đặc biệt lớn. “Địa phương cục bộ, nhưng vai trò của bộ ngành trong quản lý quy hoạch, trong kiểm tra, thanh tra, giám sát ở đâu? Để lợi ích nhóm, lợi ích ngành điều chỉnh cả quy hoạch” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh. Theo ĐB thì rất nhiều minh chứng cho những bất cập này: Mỹ Đình là khu đô thị rất mới, nhà cao tầng mọc chi chít, tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trong sân vận động, nhiều quan chức bị kẹt giữa đường. Vậy quy hoạch giao thông động, giao thông tĩnh ở đâu... Tất cả bất cập đó cứ hiển nhiên tồn tại và không ai phải chịu trách nhiệm.
Lấp đầy các KCN hiện tại: Phải mất 50 năm
Theo báo cáo của Chính phủ, thì hiện cả nước có 276 KCN với tổng diện tích chiếm đất trên 72.000ha. Định hướng quy hoạch đến năm 2015 tăng lên 150.000ha và đến năm 2020 là 200.000ha. Đa số các ý kiến thảo luận đều tỏ ra băn khoăn về định hướng quy hoạch này. Theo các ĐB, trong lúc diện tích lấp đầy tại các KCN hiện có chưa đến 46% thì việc quy hoạch như trên dễ dẫn đến sự dàn trải, lãng phí.
Theo ĐB Trần Du Lịch, trước khi xem xét thông qua nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch mới, đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ: Đến nay với 72.000ha đất KCN thì thực tế lấp đầy bao nhiêu phần trăm, đồng thời tính toán xác định rõ xuất đầu tư đối với mỗi hécta đất ở trong KCN đang thực hiện là bao nhiêu cho từng vùng miền. Nếu lấp đầy hết 72.000ha đất thì cần bao nhiêu vốn... Theo chuyên gia kinh tế này thì chưa cần phải tính toán, chỉ nghĩ đến những con số trên đã thấy một sự phi lý đến giật mình.
“Nếu không làm rõ điều này mà QH ra nghị quyết phê duyệt thì tất yếu sẽ dẫn đến tùy tiện trong việc mở các KCN và dẫn đến quy hoạch treo” - ĐB Lịch nhấn mạnh. Từ cách tính toán của mình, ĐB Trần Du Lịch khẳng định phải mất 50 năm nữa chúng ta mới có thể lấp đầy được các KCN hiện tại. Vậy đặt ra chỉ tiêu quy hoạch trên để làm gì.
Sau 3 năm triển khai, KCN Quế Võ II (Bắc Ninh) vẫn hoang hóa như thế này. Ảnh: Q.T |
Cũng theo ĐB thì với những bất cập như hiện tại, quá trình CNH- HĐH với trọng tâm là phát triển các khu kinh tế, KCN... đang góp phần biến đất nông nghiệp thành đất hoang. Đây là một thực trạng đáng phải cảnh báo. ĐB kiến nghị trong quá trình chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp phải kiên quyết thực hiện nguyên tắc nhà đầu tư, chủ dự án phải giải quyết được bài toán sau thu hồi đất, bao nhiêu nông dân bị ảnh hưởng và cuộc sống của họ giải quyết ra sao? Nếu không giải quyết được cuộc sống bền vững cho dân thì kiên quyết không giao đất.
Theo ĐB Trần Du Lịch: Một nông dân bị chuyển thành thị dân ở tuổi 40-50 không đơn giản, trước có mảnh đất, họ có thể sống lay lắt nhưng còn có cái mà ăn, còn bây giờ biết làm gì để ăn khi không còn đất... Không phải xuất tiền cho nông dân là xong, mục tiêu CNH-HĐH đối với nông dân không thể là cách tiền trao cháo múc, anh đưa đất, tôi đưa tiền. “Nếu không chúng ta đẩy vấn đề mâu thuẫn xã hội rất nghiêm trọng. Không thể thực hiện mục tiêu CNH rồi làm KCN bằng mọi giá như vừa qua. Nếu không làm rõ vấn đề này thì không thể phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến 2020 đặc biệt là 200.000ha đất KCN” - ĐB Lịch kiến nghị.
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): Cần loại bỏ những nhóm lợi ích Vấn đề quan trọng theo tôi là chấp nhận đánh đổi, chấp nhận hy sinh đất trồng lúa để quy hoạch KCN, nhưng thực tế cũng chứng minh là không đơn giản, không phải cứ ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng thì sẽ có hiệu quả kinh tế cao. Vậy thì, cần phải làm thận trọng, bởi đất trồng lúa có thể chuyển sang đất KCN bất cứ lúc nào, nhưng đất KCN lại không thể quay trở lại thành đất lúa, ngay cả với những khu vực đã lấy đất lúa làm sân golf, thì các chủ đầu tư chỉ nhìn thấy ở đấy là vị trí đẹp để đầu tư bất động sản, sinh lời, đằng sau đấy là những khoản lợi nhuận, chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ giải trí. Cái đó là trá hình. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có chế tài để loại bỏ những nhóm lợi ích, đối với những địa phương có nhiều KCN chưa được lấp đầy tới 60-70% số diện tích thì sẽ không triển khai thêm các khu mới, địa phương không có thế mạnh về công nghiệp thì không quy hoạch KCN. Hồng Quânghi |
D.Thanh - Q.Trang