Cây Sachi - kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Lâm Hà

Thảo My – Châu Phú |04/09/2023 11:08

Lâm Hà (Lâm Đồng) là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây nhiều hộ dân Lâm Hà đã mạnh dạn học hỏi chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác. Và cây Sachi đã được lựa chọn, đang mở ra hướng đi mới với nhiều kỳ vọng cho người nông dân tại địa phương này.

sachi-2-2-.jpg
Cây Sachi sinh trưởng phát triển tốt trên đất Lâm Hà, Lâm Đồng

Lựa chọn, tạo hướng đi mới

Cây Sachi được nhiều hộ nông dân lựa chọn canh tác trên địa bàn huyện Lâm Hà trong gần 5 năm qua. Theo đánh giá của những hộ trồng Sachi tại địa phương thì giống cây này phù hợp với thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất Lâm Hà. Tuy nhiên, lâu nay người dân trên địa bàn chủ yếu trồng cây Sachi một cách tự phát, nhỏ lẻ, mua giống trôi nổi, không có quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, khi trồng, thu hoạch sản phẩm không có đơn vị liên kết tiêu thụ nên đầu ra không ổn định. Chính vì vậy nhiều nhà nông sau khi canh tác, thu hoạch không tiêu thụ được sản phẩm đã phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Bà Ngô Thị Hạnh một hộ dân trồng Sachi ở xã Đạ Đờn cho biết, năm 2017, được người thân giới thiệu, gia đình bà chuyển đổi hơn 2.000m2 Cà phê sang trồng Sachi. Thời điểm đó, gia đình bà mua cây giống Sachi tại một nhà vườn ở thị trấn Nam Ban với giá 200 ngàn/1kg. Sau khi trồng được gần 6 tháng, cây Sachi đã cho thu hoạch. Theo bà Hạnh, cây Sachi rất dễ trồng, ít công chăm sóc, hiếm khi bị sâu bệnh, chủ yếu bón bằng phân chuồng.

sachi-3-3-.jpg
Một cơ sở sản xuất sản phẩm Sachi tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng

Đặc thù của cây Sachi là ra hoa đậu trái quanh năm nên hầu như tuần nào cũng có thu hoạch. Tuổi thọ và thời gian khai thác của cây Sachi có thể lên đến 15 – 20 năm. Giá quả khô gia đình bà Hạnh đang bán cho thương lái thu mua tại vườn là 32 ngàn đồng/1kg, hạt có giá hơn 60 ngàn đồng/1kg, lá cũng được thu hoạch và bán 10 ngàn đồng/1kg lá tươi".

Tính theo giá bán hiện tại thì trên diện tích 2.000m2 trồng Sachi mỗi năm gia đình bà Hạnh thu được khoảng gần 50 triệu đồng, cao hơn thu nhập của nhiều loại cây trồng khác tại địa phương. Được biết, trên địa bàn cũng có nhiều hộ trồng Sachi từ lâu nhưng trước đây do giá cả không ổn định lúc cao, lúc thấp và thiếu đầu ra ổn định nên mặc dù cây đang giai đoạn cho thu hoạch sản lượng cao nhưng cũng phải chuyển đổi sang cây trồng khác.

Hiện nay, lãnh đạo huyện Lâm Hà đang kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để người dân trồng Sachi có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Liên kết 3 nhà… để phát triển bền vững

Nhiều ý kiến đã được đặt ra là muốn phát triển bền vững đối với cây Sachi, cần thiết phải có sự liên kết giữa 3 nhà: chính quyền, người dân và nhà sản xuất thành một khối phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà, hiện nay triên địa bàn có khoảng gần 7ha diện tích trồng cây Sachi tập trung chủ yếu ở xã Nam Hà, Phú Sơn, Phi Tô, Đạ Đờn… Tại Lâm Hà hiện cũng có nhiều cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm từ Sachi. Tiêu biểu như Công ty TNHH Sachi Sao Vàng (Thôn Sóc Sơn, Xã Nam Hà, Huyện Lâm Hà) và Công ty TNHH Sachi Việt (Thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) đang liên kết thu mua các sản phẩm Sachi với các hộ dân trong và ngoài huyện.

sachi-4-4-.jpg
Đầu tư máy, ứng dụng công nghệ sản xuất Sachi tại Lâm Hà, Lâm đồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Mạnh Cường – Giám đốc Công ty Sachi Việt cho biết, doanh nghiệp của ông được thành lập từ tháng 5 năm 2021. Trung bình mỗi năm Công ty Sachi Việt thu mua khoảng hơn 200 tấn nguyên liệu Sachi đầu vào đề sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện nay, doanh nghiệp của ông đang liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân, do nguồn nguyên liệu đầu vào không đáp ứng nhu cầu của nhà máy nên Sachi Việt phải liên hệ mua Sachi từ các địa phương khác như: Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Hòa Bình để về chế biến. Hiện Sachi Việt đang sản xuất và chế biến các sản phẩm từ Sachi như: Sachi sấy các vị (vị mộc, tỏi ớt, socola, cốt dừa, sầu riêng), cao Sachi, kẹo bánh nhân Sachi, dầu Sachi ép lạnh nguyên chất, trà sachi… 5 sản phẩm từ Sachi của Công ty Sachi Việt đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Ông Dương Mạnh Cường chia sẻ: Hạt Sachi được mệnh danh là “Vua của các loại hạt” vì trong hạt Sachi có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Đặc biệt là các loại axit béo không bão hòa, Omega 3, Omega 6, Omega 9. Hiện nay, các sản phẩm từ Sachi chưa được người tiêu dùng trong nước biết đến, nhưng thị trường thế giới thì rất ưa chuộng. Các sản phẩm từ Sachi của Công ty Sachi Việt chủ yếu xuất khẩu đi các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc. Thời gian qua, Doanh nghiệp Sachi Việt đang hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật để người dân địa phương sản xuất Sachi hiệu quả nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất các sản phẩm cung cấp cho thị trường".

Ông Lê Văn Thiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, nhằm phát triển cây Sachi trên địa bàn, vừa qua, UBND huyện Lâm Hà đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình trồng cây Sachi và giao cho Trung tâm nông nghiệp huyện thực hiện tại xã Phú Sơn và thị trấn Đinh Văn với diện tích 5,5ha với kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Vào ngày 15/7, UBND huyện Lâm Hà đã ký kết biên bản ghi nhớ với Hợp tác xã Thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông (có trụ sở tại Hà Nội) về hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Sachi trên địa bàn. Cây Sachi phù hợp thổ nhưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao cùng với việc kêu gọi đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của chính quyền địa phương đang mở ra triển vọng tốt cho cây Sachi phát triển trên đất Lâm Hà. Từ đó, tạo hướng đi mới cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Cây Sachi là loại cây có nguồn gốc từ Nam Mĩ, tại vùng rừng rậm Amazone. Sachi còn được gọi theo những cái tên khác nhau như Lạc sacha, Lạc núi, Lạc inca. Ngày nay, cây Sachi được phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Nam Mỹ, Peru, Colombia và E-cua-đo. Sachi cũng được phân bố ở nhiều vùng khác tại Đông Nam Á, đặc biệt được trồng nhiều ở Thái Lan. Tại Việt Nam, Sachi được trồng ở khu vực Tây Nguyên, Bình Thuận, Hòa Bình, Điện Biên.

sachi-5-5-.jpg
Hạt Sachi có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao

Dây Sachi thuộc dạng thân leo, thân bán gỗ và có thể mọc vươn cao tới 2m, lá hình tim có răng cưa và mọc so le. Quả của cây mọc quanh năm và cho khoảng 500 hạt mỗi lần thu hoạch.

Với khả năng chống chọi, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cây Sachi được coi như “nguồn sức mạnh của lòng can đảm” hay là “loại cây của sự sống” vì những giá trị về sức khỏe mà nó mang lại là khá lớn.

Bài liên quan
  • Chương trình OCOP: 
Những giải pháp để Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
    Chương trình OCOP (One Commune One Product – mỗi xã một sản phẩm) là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Việc xác định và đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cây Sachi - kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Lâm Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO