Chương trình OCOP: Những giải pháp để Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Phạm S (*)|31/08/2023 10:03

Chương trình OCOP (One Commune One Product – mỗi xã một sản phẩm) là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Việc xác định và đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

ocop-2v-2.jpg
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân 

Thực hiện Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 -2020. Những năm qua chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng lớn từ phía chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Lâm Đồng".

Những kết quả nổi bật

- Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình OCOP rất sát thực tiễn; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình; các sản phẩm được chứng nhận, không ngừng cải tiến mẫu mã, từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên. Thông qua chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Khai thác giá trị kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa chức năng, nông nghiệp đa giá trị. Sản phẩm OCOP của tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 214 sản phẩm xếp thứ 12/63 trong cả nước; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tạo sản phẩm OCOP độc đáo kết hợp du lịch canh nông thu hút một lượng du khách rất lớn để khai thác tối ưu hóa tiềm năng kinh tế nông nghiệp, tạo nông nghiệp đa chức năng, đa giá trị so với sản xuất nông nghiệp thuần túy.

- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua chương trình có sự kết hợp hài hòa sản phẩm OCOP với bản sắc văn hóa các dân tộc của địa phương như rượu cần, ẩm thực, vật dụng gia đình, dược liệu, đồ trang sức, thổ cẩm…

- Tăng cường cơ hội xuất khẩu nông sản của địa phương. Đa số các chủ thể có nhận thức sản phẩm được chứng nhận OCOP đã khó thì việc bảo vệ và phát triển thị trường càng khó hơn; do đó trong thời gian qua các chủ thể từng bước tiếp cận thương mại điện tử đã góp phần cho ngành nông nghiệp bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế; đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản; nhiều trang thương mại điện tử của tỉnh được xây dựng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm từ đó kết nối với các đối tác tiêu thụ một cách nhanh nhất. Thông qua hoạt động thương mại điện tử các mặt hàng nông sản của tỉnh được quảng bá một cách rộng rãi và nhanh chóng đến người tiêu dùng, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử đã có sự tham gia của nông sản Lâm Đồng như: Shopee, Lazada, Propii, TikTok…

ocop-3v-3.jpg
Sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng tăng nhanh về số lượng và chất lượng với 214 sản phẩm xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Những hạn chế còn tồn tại

- Số lượng sản phẩm tăng nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên một số sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả rõ nét như các sản phẩm cùng loại trên thị trường. So với các tỉnh thành trong cả nước thì Lâm Đồng có nhiều tiểu vùng sinh nông nghiệp hơn, điều đó cho phép tạo ra nhiều sản phẩm OCOP, song thực tế số lượng còn ít hơn một số tỉnh thành phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn…).

- Một trong những vấn đề quan trọng của chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng là chưa đảm bảo đồng nhất và cao cấp về tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm tham gia. Điều này dẫn đến sự không đồng đều về chất lượng sản phẩm, gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường và cạnh tranh sản phẩm.

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ là một trong những hạn chế phổ biến mà chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng đang đối mặt cả doanh nghiệp và người dân địa phương. Do quy mô sản xuất và tiếp thị nhỏ, dẫn đến việc sản xuất các sản phẩm giới hạn về số lượng và chủ yếu phục vụ nhu cầu trong địa phương. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên quy mô quốc gia và quốc tế.

- Khó khăn trong quảng bá và tiếp thị sản phẩm; chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng còn gặp khó khăn trong việc quảng bá và tiếp thị sản phẩm. Việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và thúc đẩy sản phẩm OCOP Lâm Đồng đến người tiêu dùng còn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Việc phát triển điện tử vẫn còn chậm, tỷ lệ nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng được tiêu thụ qua phương thức này còn thấp. Do đó, nhu cầu và khả năng tiếp cận của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế đối với các sản phẩm OCOP Lâm Đồng. Điều này làm giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm và đặt các doanh nghiệp tham gia chương trình vào thế khó trong việc mở rộng thị trường.

Như đã phân tích nêu trên, chúng ta đã có một số thành tựu trong việc phát triển sản phẩm OCOP ở tỉnh Lâm Đồng. Song trước những yêu cầu mới, quá trình cạnh tranh khốc liệt chuỗi nông sản thế giới, quá trình hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm đạt được kết quả tốt hơn và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển bền vững của chương trình phát triển bền vững và mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng, trong tương lai để chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng đạt được sự thành công và bền vững, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ thể chế đến tổ chức sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả và phát triển bền vững tương xứng với tiềm năng.

ocop-4v-4.jpg
Một trong những vấn đề quan trọng của chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng là chưa đảm bảo tính đồng nhất và tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm khi tham gia

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

- Xác định chương trình OCOP trước yêu cầu mới: trước yêu cầu mới đặt ra có tác động rất lớn đến chương trình OCOP đối với các chủ thể, đó là chiến tranh Nga với Ukraine dự báo tình hình ngày càng phức tạp; tình hình di dân giữa các châu lục; tình hình mất an ninh lương thực toàn cầu diễn ra nhanh, dẫn đến nạn đói gia tăng; biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp hơn, nhanh hơn. Dự báo khoa học có tác động rất lớn đến tổng cầu toàn cầu và quốc gia… do đó chương trình cần có dự báo trên cơ sở khoa học để định hướng dài hạn, phát triển chương trình bền vững.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm: chất lượng của sản phẩm OCOP là yếu tố quyết định đến sự thành công của chương trình. Chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chú trọng tiên phong sản phẩm OCOP chuỗi giá trị theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông sản sinh thái, nông sản không gây mất rừng.

- Xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm: tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Việc tạo dựng thương hiệu độc đáo và uy tín sẽ giúp tăng cường giá trị thương mại và thu hút sự quan tâm của thị trường tiêu thụ.

- Hỗ trợ thế hệ trẻ và khuyến khích đổi mới sáng tạo: các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự phát triển bền vững của chương trình.

- Xây dựng hệ thống thương mại và phân phối: trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần rà soát cung cầu sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó xây dựng hệ thống thương mại và phân phối hiệu quả, từ việc kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số sản xuất và thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm; điều này giúp đẩy mạnh tiêu thụ và tiếp cận thị trường rộng lớn.

ocop-5v-5.jpg
Cần khuyến khích và hỗ trợ thế hệ trẻ tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP là một trong những ngành kinh tế đáng chú trọng của tỉnh Lâm Đồng; trong thời gian tới các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025. Tất cả các bên liên quan cùng nhau hợp tác để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP chất lượng, độc đáo và cạnh tranh trên thị trường. Chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực và tập trung đồng bộ các giải pháp, chương trình OCOP của tỉnh Lâm Đồng sẽ ngày càng góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương; sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới với kỳ vọng: số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn.

(*) Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Chương trình OCOP: Những giải pháp để Lâm Đồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO