(Vietnam Logistics Review) Chi phí logistics tác động không nhỏ đến hoạt động XNK của VN. Theo thống kê của một số tổ chức nghiên cứu về logistics, chi phí hoạt động logistics chiếm khoảng 10-13% GDP ở các nước phát triển, và VN chiếm tới 25% GDP. Việc giảm chi phí logistics sẽ góp phần tích cực tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, tại VN, DN logistics và XNK chưa tìm được tiếng nói chung, nên dẫn đến việc nhiều DN XNK trong nước phải chịu nhiều chi phí cao và bất cập, gây khó khăn cho xuất khẩu.
Vấn đề chính hiện nay của ngành công nghiệp cảng VN là việc vận hành hệ thống cảng chưa hợp lý, có những cảng đang quá tải trong khi một số cảng lại chưa khai thác hết tiềm năng. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết: “Chúng tôi chọn địa điểm đặt nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Mỹ một phần vì nơi đây có cụm cảng quốc tế như Cảng Tổng hợp Thị Vải, Tân cảng Cái Mép, Cảng Phú Mỹ,... nhưng thực tế lại có rất ít hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này. Chúng tôi phải vận chuyển hàng hóa với tổng quãng đường dài khoảng 160km (2 chiều đi và về: đưa container rỗng đến nhà máy để đóng hàng và chở container hàng từ nhà máy ra cảng) từ khu công nghiệp Phú Mỹ đến cụm cảng TP.HCM để xuất khẩu, đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên gấp 3 lần. Cụ thể, nếu chúng tôi xuất hàng tại cụm cảng Phú Mỹ thì chi phí vận chuyển nội địa là 1.800.000 đồng/container (24 tấn), trong khi đó phải xuất hàng tại cảng Cát Lái nên tổng chi phí vận chuyển nội địa lên đến 4.600.000 đồng/container. Rõ ràng, đang diễn ra sự bất hợp lý là các cảng gần khu công nghiệp Phú Mỹ rất thuận tiện cho xuất khẩu của DN, thì lại không thể sử dụng vì hầu như không có tàu container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này, trong khi đó DN phải vận chuyển đến các khu vực xa cảng để xuất hàng.
Về vận chuyển quốc tế mùa cao điểm, các hãng tàu thường đồng loạt tăng giá cước vận chuyển khiến DN XNK cũng chịu nhiều khoản phụ phí như: Phụ phí R/R, là phụ phí phục hồi mức giá chung áp dụng ở khu vực châu Á: tăng khoảng 50 USD/container 20ft, và 100 USD/container 40 ft. Phụ phí GRI: tăng giá chung áp dụng cho các tuyến EU, Mỹ, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, tăng khoảng 300-500 USD/container 20ft và 600 USD-1.000 USD/container 40ft. Phụ phí BAF, là phụ phí xăng dầu để bù đắp chi phí phát sinh do biến động giá nhiên liệu áp dụng cho thị trường Mỹ, châu Mỹ, tăng khoảng 480 USD/
container 20ft và 600 USD/container 40ft; Phụ phí CAF, khoản phí để bù đắp chi phí phát sinh do biến động tỷ giá ngoại tệ, tăng khoảng 480 USD/container 20ft và 600 USD/container 40ft.
Ông Lê Phước Vũ cũng cho biết thêm, các khoản phí này hầu như DN không được thông báo trước nên hoàn toàn bị bất ngờ về mức độ và thời điểm tăng phụ phí, nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh vì các hợp đồng xuất khẩu thường được đàm phán và chốt giá trước thời điểm giao hàng 2-3 tháng, nên khi có biến động thì DN thường phải chịu phí biến động này.
Như vậy, những vấn đề trên đã gây những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của DN XNK, làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của DN khi xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để giải quyết các vấn đề trên nhằm giảm chi phí logistics để tạo nhiều cơ hội hơn để DN XNK VN vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Ông Bùi Việt Hoài – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN cho biết: Mặc dù DN xuất khẩu trong nước rất chủ động trong việc giao hàng, không phải lệ thuộc vào việc điều tàu (hoặc container) do người nhập khẩu chỉ định, nhưng đôi khi còn lệ thuộc vào khách nước ngoài, tàu đến chậm làm hư hỏng hàng hóa đã tập kết tại cảng hoặc trong kho, nhất là hàng nông sản. Theo ông Bùi Việt Hoài, khi chủ hàng VN dùng tàu mang cờ VN khi vận chuyển hàng XNK, có nghĩa là, nếu tất cả các DN trong nước nhập khẩu dành quyền thuê tàu và mua bảo hiểm trong nước, trả phí bằng đồng VN tránh biến động tỷ giá ngoại tệ lớn, tiết kiệm được tiền bảo hiểm và cước tàu phải trả cho nước ngoài. Khi hàng nhập cảng, DN nhập khẩu mới phải trả tiền cước tàu, do đó, DN sẽ không bị tồn vốn, hoặc không phải trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền cước tàu, theo đó, giảm được giá thành hàng nhập khẩu. Đồng thời, nếu như trường hợp có tranh chấp thương mại, hoặc hư hỏng hàng hóa, DN vận tải biển VN cũng sẽ cố gắng để bảo vệ quyền lợi cho DN XNK VN.