Có thể giải quyết mọi bài toán của doanh nghiệp, quốc gia bằng công nghệ số

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp) |24/02/2023 06:46

Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” vừa diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động mở đầu chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.

cns2.jpg
Một chi nhánh của Metfone - nhà mạng do Viettel đầu tư phát triển tại Campuchia. Viettel là một trong những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư ra nước ngoài từ rất sớm. 

Cuộc cách mạng công ngiệp lần thứ tư đã và đang mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế số. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã vươn ra thế giới với những thành công đáng kể. Doanh thu đầu tư ra nước ngoài của Viettel trong năm qua đã lần đầu tiên đạt gần 3 tỷ USD. Một doanh nghiệp khác là FPT cũng đã cung cấp dịch vụ CNTT, chuyển đổi số cho nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật... với doanh thu trên 1 tỷ USD.

Không chỉ trong lĩnh vực CNTT, ở nhiều lĩnh vực khác, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đi tiên phong; trong đó có “bà trùm” sữa, chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương . 

Các cụm trang trại TH tại Nghĩa Đàn được xây dựng với khoảng cách giữa các trại ít nhất là 10 km. Trang trại số 3 nằm ở cụm trại 1, là “nhà” của hơn 7.000 bò sữa, trong đó có hơn 3.500 bò đang cho sữa. Trang trại số 3 ứng dụng hệ thống AfiAct để phát hiện động dục tự động, quản lý sinh sản và quản lý chất lượng sữa của đàn bò. Hệ thống vắt sữa được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam, được thiết kế để vắt sữa cho khoảng 3.600 bò/ngày, mỗi ngày vắt 3 ca. Một trong những điểm khác biệt giữa sữa tươi sạch TH true MILK với những nhãn hiệu sữa khác ở Việt Nam là khâu vắt và bảo quản sữa nguyên liệu. Bò được tắm và làm mát trước khi vắt sữa hoàn toàn tự động bằng 4 núm vú chân không....

cns3.jpg
Để quản lý được đàn bò với số lượng lớn, chân bò được đeo chip Perometer

Không chỉ dừng lại ở khâu vắt sữa, TH ứng dụng công nghệ vào cả khâu đóng gói và bảo quản sản phẩm. Dây chuyền vận chuyển chạy với tốc độ rất cao, 7 hộp/giây. Hệ thống có camera nhận diện tự động. Nếu phát hiện hạn sử dụng bị mất hoặc không rõ, hay chưa có thìa trong thùng sữa chua, hệ thống sẽ cảnh báo ngay lập tức và cánh tay máy tự động đẩy sản phẩm lỗi ra khỏi dây chuyền. Hệ thống này thay thế cho con người, giúp kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng đóng gói, tối ưu về thời gian. Tương tự như công nghệ xử lý ảnh, giúp kiểm tra, phát hiện các sản phẩm lỗi trong khâu đóng gói, đó là hệ thống cân tự động. 

Chia sẻ góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ đã có những chuyển mình mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam, gần đây, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, đến nay doanh nghiệp này đã có hơn 200 sản phẩm Make in VietNam và đặt mục tiêu thời gian tới ít nhất mỗi năm phải có 10 sản phẩm mới. Theo lãnh đạo FPT, để làm được Make in Vietnam thì đòi hỏi quyết tâm của doanh nghiệp phải rất cao.

Sáng ngày 23/2, tại Hà Nội, hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” do Bộ TT&TT tổ chức chính thức khai mạc.

“Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ TT&TT định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Chiến lược của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.

cns.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Với mục tiêu để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là điểm đến, mà còn là nơi Việt Nam đến, để sản phẩm Make in Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Hoạt động này nhằm mang tri thức, công nghệ số Việt Nam, các giải pháp và dịch vụ số của Việt Nam ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của các nước.

Thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU cho thấy, thế giới vẫn còn khoảng 49% dân số (tức là còn gần 4 tỷ người) chưa được kết nối Internet, chưa được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ số. “Đây chính là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.

 “Doanh nghiệp hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia. Hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Và vì thế mà doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Bởi vì dân tộc và quốc gia là trường tồn. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi.

cns1.jpg
Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài vừa được Bộ TT&TT thành lập. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Được biết, Bộ TT&TT đã công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. 

Gồm có 16 thành viên, Tổ tư vấn có Tổ trưởng là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT Triệu Minh Long và Tổ phó là Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa. Tổ tư vấn sẽ là chỗ dựa, là cầu nối sát cánh cùng các doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đặt chân đến.

Theo VietnamNet
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Có thể giải quyết mọi bài toán của doanh nghiệp, quốc gia bằng công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO