Công nghiệp & dịch vụ: động lực của tăng trưởng kinh tế

Nguyên Vũ|10/12/2018 09:42

(VLR) Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế việt nam đa phần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên thì đến nay cơ cấu này đã thay thế bằng sự phát triển của khối ngành công nghiệp và dịch vụ.

Sự chuyển dịch tích cực

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, quá trình tái cơ cấu kinh tế đất nước giai đoạn (2016 - 2020) đã đi hơn nửa chặng đường với nhiều điểm sáng như: kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng duy trì ở mức cao, đặc biệt chất lượng tăng trưởng đã có chuyển dịch đáng kể, không còn phụ thuộc vào khai khoáng và gia tăng tín dụng.

Nhìn lại kết quả tăng GDP năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt kết quả tương đối toàn diện ở cả 3 khu vực sản xuất chủ yếu của nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là điểm sáng và là động lực chủ yếu thúc đẩy GDP tăng cao.

Theo đó, năm 2017, GDP tăng 6,81% so với năm 2016. Đóng góp vào thành tích này phải kể đến khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu đóng góp vào mức tăng trưởng chung, bù đắp sự sụt giảm của ngành khai khoáng (ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-) 7,1%, làm mức tăng trưởng chung giảm 0,54 điểm phần trăm). Một động lực khác cho tăng trưởng là khu vực dịch vụ tăng tới 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10.2018 cũng nêu rõ, GDP 9 tháng ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012 - 2016, đóng góp 2,56 điểm phần trăm; Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước.

Bổ sung thêm thông tin từ phía ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã quy hoạch lại không gian lãnh thổ công nghiệp, hình thành một số trung tâm công nghiệp theo các ngành; nhiều lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định chứ không phụ thuộc vào một số ngành. Bên cạnh đó đã thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa các thị trường thương mại, xuất khẩu tới gần 200 quốc gia, riêng nông sản tới 180 quốc gia. 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Chất lượng hàng hóa ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có sự chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành khai khoáng; tăng cao đối với công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Cụ thể, tỷ trọng trong GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,8% trong 6 tháng đầu năm 2018; của khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6,0% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có sự chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành khai khoáng; tăng cao đối với công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ.

Cần phát huy lợi thế ngành dịch vụ

Theo nhiều chuyên gia, công nghiệp, sản xuất càng phát triển thì càng tạo điều kiện cho các ngành dịch vụ phát triển nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bởi lẽ dịch vụ chính là cầu nối giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Dù đối với thị trường trong nước hay xuất khẩu thì các dịch vụ vận tải – kho bãi, logistics, thuế, hải quan, ngân hàng, bảo hiểm,... có vai trò cực kỳ quan trọng không chỉ đối với sự tăng trưởng của ngành mà còn cả nền kinh tế. Do đó cần ưu tiên cho lĩnh vực này.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, riêng khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2018 tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% cùng kỳ nhưng lại cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2016. Đặc biệt, trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như bán buôn và bán lẻ tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ và có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,9 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,85%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,89%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,55%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Có được kết quả tích cực này, trong thời gian qua, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ đã có định hướng và tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử,... Cùng với các công trình hạ tầng – dịch vụ được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sự phát triển dịch vụ còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng chưa bền vững và chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới, dịch vụ được đánh giá là khu vực trọng điểm cho sự phát triển kinh tế, thông thường dịch vụ đóng góp từ 70% - 80% GDP. Đơn cử như trường hợp của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Malaysia,...

Trên thực tế, Chính phủ cũng đã và đang thực hiện chủ trương duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Song, để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra trước hết cần xác định rõ vai trò, vị trí của ngành dịch vụ trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng để có những định hướng phát triển bền vững; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế phù hợp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất; Đồng thời thúc đẩy cạnh tranh, sáng tạo trong ngành dịch vụ... Có như vậy dịch vụ mới trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp & dịch vụ: động lực của tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO