Cửa hàng tạp hóa Việt Nam trong cuộc đua bán lẻ (P2): Thách thức từ đối thủ cạnh tranh & bản thân người sở hữu

08/01/2018 09:57

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Khách hàng đã thay đổi, đối thủ cạnh tranh cũng đã thay đổi và ngày càng lớn mạnh, vậy chủ cửa hàng tạp hóa Việt Nam liệu có thay đổi để phù hợp với thời thế mới?

(Link Phần 1: http://www.vlr.vn/vn/news/logistics-viet-nam/nghien-cuu-ung-dung/3481/cua-hang-tap-hoa-viet-nam-trong-cuoc-dua-ban-le-thach-thuc-den-tu-khach-hang-phan-1-.vlr)

(Vietnam Logistics Review)Khách hàng đã thay đổi, đối thủ cạnh tranh cũng đã thay đổi và ngày càng lớn mạnh, vậy chủ cửa hàng tạp hóa Việt Nam liệu có thay đổi để phù hợp với thời thế mới?

Thách thức đến từ đối thủ cạnh tranh

Trong những năm trở lại đây, bên cạnh các siêu thị và trung tâm thương mại thì các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini đã trở thành đối thủ cạnh tranh chính của các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Các thương hiệu như: Vinmart Plus, Circle K, B’smart, Minishop, Family mart… ngày càng khẳng định được uy tín và mang đến cho khách hàng sự lựa chọn rất đa dạng với những ưu thế riêng. Với nguồn lực đầu tư lớn, các chuỗi cửa hàng tiện ích hoặc siêu thị mini không những chọn được địa điểm thuận lợi, có mật độ dân cư đông hay mức độ qua lại của người đi đường lớn mà còn dành nhiều nguồn lực để xây dựng thương hiệu thông qua rất nhiều chương trình, tạo được sự yêu thích của khách hàng.

Đầu tiên phải kể đến chuỗi cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Vinmart+, họ đào tạo nhân viên bán hàng thân thiện, năng động, sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ khách hàng, sắp xếp hàng hóa hợp lý, thống nhất hệ thống nhận diện, các chương trình tích điểm, giảm giá trong các giờ vàng, tặng quà khi tung ra các sản phẩm mới… Những việc làm này đã dần dần tạo cho Vinmart+ một lượng lớn khách hàng trung thành, kết quả là sau ba năm tham gia thị trường Việt Nam, Vinmart+ hiện đã phát triển được 1.000 cửa hàng, có kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng vào năm 2017 và sẽ có mặt tại ít nhất 30 tỉnh, thành phố.

Sự tham gia của Saigon Co.op vào chuỗi cửa hàng tiện ích Co.op Smile cũng đã khiến cho sức ép dành cho cửa hàng tạp hóa truyền thống ngày càng nặng nề. Lợi thế mà Co.op Smile dành cho những người tham gia vào hệ thống nhượng quyền kinh doanh của họ là một số điều kiện tương đối có lợi hơn so với các chuỗi cửa hàng tiện ích khác, như: diện tích kinh doanh linh hoạt từ 20m2 đến 200m2, số lượng mặt hàng kinh doanh dao dộng từ 1.500 đến 2.000 tùy theo diện tích điểm bán gồm các ngành hàng: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc; hàng nhãn riêng Co.opmart; hàng trong danh mục bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, ngoài những dịch vụ tiện ích như: cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước internet (ADSL, Leased line, FTTH), cước truyền hình Viettel, truyền hình cáp thì trong năm 2017, Co.op Smile sẽ triển khai những dịch vụ: ATM, chuyển tiền, nhận hàng DHL, cung cấp các loại thẻ, Click & Collect, Top up, quầy vé số...

Không thể không nhắc tới các thương hiệu lớn như: Circle K, 7-Eleven mà sự tham gia của họ vào thị trường bán lẻ Việt Nam đã khiến cho tình thế thị trường thay đổi khá nhiều. Đơn cử như Circle K, tính đến tháng 8.2017, số lượng cửa hàng tiện ích của Circle K đạt mốc 200 cửa hàng. Với sự hiện diện rộng rãi phủ sóng từ Bắc đến Nam, Circle K có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khi nhanh chóng chiếm được các vị trí “đẹp”. Trong khi đó, 7-Eleven tương đối cẩn trọng khi tính đến tháng 10.2017, số lượng cửa hàng tiện ích là 5 và chỉ ở khu vực TP. Hồ Chí Minh. Điều rõ ràng nhận thấy rằng cho dù số lượng cửa hàng ít hay nhiều thì việc truyền thông chú ý vào sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài này cũng đã khiến cho sức ép cạnh tranh đối với các cửa hàng tạp hóa ngày càng lớn, buộc những người chủ cửa hàng hoặc phải thay đổi tư duy, hoặc phải chấp nhận cuộc chơi theo các ông lớn.

Thách thức đến từ chính bản thân người sở hữu

Có nhiều lý do để người chủ sở hữu cửa hàng tạp hóa truyền thống biện minh cho sự khó khăn của mình, như vốn ít, người quản lý chưa có kinh nghiệm và sức ép từ các nhà cung cấp. Song, một thực tế rằng, nếu muốn tồn tại, buộc họ phải thay đổi. Và thay đổi đầu tiên là từ nhận thức.

Thứ nhất, nhận thức của các chủ cửa hàng tạp hóa về việc phát triển thương hiệu còn hạn chế. Với quan điểm của các chủ tạp hóa thường cho rằng, khách hàng của họ là những khách quen ở khu dân cư nơi họ phục vụ, cho nên việc xây dựng thương hiệu là không cần thiết. Theo họ, người tiêu dùng sẽ lựa chọn cửa hàng của mình thông qua thói quen mua sắm hoặc những người qua đường lựa chọn cửa hàng của họ vì địa điểm thuận lợi. Tuy nhiên với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn giữa các cửa hàng tạp hóa với nhau và giữa các cửa hàng tạp hóa với các dạng thức bán lẻ khác thì việc xây dựng thương hiệu cho riêng cửa hàng của mình là một việc cần thiết. Đối với các cửa hàng tạp hóa, việc xây dựng thương hiệu có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản như: Cải thiện chất lượng phục vụ, sắp xếp hàng hóa hợp lý, trang trí nơi bán hàng bắt mắt và thu hút…

Thứ hai, đầu tư dành cho hoạt động phát triển thương hiệu của các cửa hàng tạp hóa hầu như không có. Theo phỏng vấn của nhóm tác giả đối với một số của hàng tạp hóa tương đối lớn trên địa bàn Hà Nội thì doanh thu của mỗi cửa hàng trung bình là 20 - 25 triệu VNĐ/ngày. Họ hầu như không đầu tư cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Họ cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là không cần thiết, mà chủ yếu tạo lợi thế cạnh tranh bằng giá bán.

Qua quan sát của nhóm tác giả, tặng các phần quà có giá trị nhỏ được một số chủ cửa hàng tạp hóa áp dụng để giữ chân khách hàng. Còn đối với các khách hàng mới, gần như chưa có bất kỳ hoạt động nào hấp dẫn để thu hút ánh nhìn, từ việc trang trí thiết kế cửa hàng bắt mắt cho đến việc tổ chức các hoạt động, sự kiện độc đáo. Chưa kể là có khá nhiều chủ tạp hóa chỉ tặng quà khách hàng khi nhà cung cấp có yêu cầu và ghi rõ trên bao bì hàng hóa. Điều này cho thấy sự thụ động trong việc lôi kéo khách hàng đến cửa hàng là rõ rệt.

Một điểm nữa đó là hệ thống nhận diện thương hiệu của cửa hàng tạp hóa. Có thể nhận thấy hầu hết hoặc không có tên hoặc là một nhà cung cấp nào đó cung cấp miễn phí. Tên cửa hàng tạp hóa thường là tên riêng hoặc tên riêng ghép lại của người chủ hoặc thành viên trong gia đình người chủ. Rất khó phân biệt giữa các cửa hàng tạp hóa với nhau bởi cách bày trí, thiết kế cũng như là sự thể hiện về mặt giấy tờ. Điều này cũng xuất phát từ lý do ngân sách bị hạn chế.

Thứ ba, hạn chế về năng lực cũng như kinh nghiệm thị trường. Điều này xuất phát từ việc người chủ sở hữu cửa hàng tạp hóa tương đối xem nhẹ việc bắt kịp với xu hướng thị trường. Năng lực ở đây không chỉ là năng lực về mặt quản lý còn là kỹ năng bán hàng, kỹ năng xây dựng kế hoạch bán và truyền thông cho sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho chủ cửa hàng tạp hóa tạo thêm lợi thế của mình trong quá trình đàm phán giá bán và mức chiết khấu đối với các nhà cung cấp. Mặc dù một vài chương trình của các Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có hướng đến nâng cao năng lực quản lý cho các cá nhân hộ kinh doanh nhưng thực tế, hiệu quả đào tạo của các chương trình này vẫn chưa thật sự rõ nét.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Cửa hàng tạp hóa Việt Nam trong cuộc đua bán lẻ (P2): Thách thức từ đối thủ cạnh tranh & bản thân người sở hữu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO