Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Doanh nghiệp lao đao
Hiện nay, các thị trường trên thế giới như Mỹ, EU đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú cho biết: Hiện nhu cầu mua tôm của khách hàng nước ngoài rất lớn, giá tôm cũng tăng cao mà doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất. Số lượng công nhân đi làm chỉ chiếm 23,8%, đồng nghĩa với việc công suất của các nhà máy giảm. Hiện tại, đơn hàng của doanh nghiệp đang nợ rất nhiều.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, do giãn cách nên chuỗi cung ứng tôm gần như bị đổ vỡ. Nguy cơ những tháng cuối năm thiếu trầm trọng nguyên liệu. Nhiều công ty đã chủ động tăng giá tôm để nông dân tăng nuôi, thả tôm. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng dịch bệnh bùng phát doanh nghiệp không mua, giá giảm.
“Doanh nghiệp lo tháng 10, tháng 11 tới không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã đề nghị triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để cuối tháng 11, tháng 12 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á, còn các nước ở xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có 30% - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao đang là áp lực lớn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Sau 2 tháng thực hiện giãn cách, theo các doanh nghiệp, xét nghiệm là chi phí rất lớn; hiện nay cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cả trong sản xuất và lưu thông.
Tương tự, ngành dệt may cũng đang "chật vật" cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã nhận và duy trì các đơn hàng với khách. Nhiều doanh nghiệp lo lắng đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất khi gặp khó khăn cả ở chiều nhập nguyên liệu và xuất khẩu. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đưa ra dự báo không mấy khả quan: Với kịch bản tốt nhất thì năm nay xuất khẩu chỉ có thể đạt khoảng 32 - 33 tỷ USD, trong khi mục tiêu ban đầu đặt ra năm 2021 sẽ xuất khẩu khoảng 39 - 39,5 tỷ USD sản phẩm dệt may.
Theo khảo sát mới nhất của EuroCham về chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội cho thấy, tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là hạn chế về mặt vận tải và cung ứng (71%) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh.
Hiến kế 'cứu' chuỗi cung ứng
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, chuỗi cung ứng hiện nay có vai trò rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Cùng với đó, chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao, gián tiếp gây lạm phát trong những tháng cuối năm. Doanh nghiệp không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng và các đối tác tiềm năng vào tay các quốc gia cạnh tranh.
“Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới, ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và khả năng hội nhập của kinh tế Việt Nam", ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hậu COVID-19 và xa hơn là trong tương lai, chuỗi cung ứng hàng hóa cần phải được tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng để giảm thiểu tốt nhất những chấn thương bất ngờ. Đồng thời, để tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của chuỗi cung ứng.
Muốn làm được điều này, cần nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đánh giá một cách toàn diện hoạt động của các bên tham gia chuỗi cung ứng và những rủi ro tiềm ẩn của từng bên, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó với rủi ro và lên kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Cùng với đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên cho doanh nghiệp chủ động phương sản xuất tuỳ theo tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực phòng chống dịch. Ngoài ra, để chuỗi cung ứng được thông suốt, vấn đề phối hợp giữa tỉnh, thành cần được tính đến. Hình thành chuỗi sản xuất an toàn, liên kết giữa các vùng xanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất mang tính dây chuyền.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị, phải có quy định cụ thể về việc kiểm soát đi lại và tạo ra hành lang thông thoáng, minh bạch, rõ ràng và có trả lời thấu đáo cho doanh nghiệp về việc thực hiện Chỉ thị 15, việc đi lại. Có như vậy khách hàng mới có niềm tin, tiếp tục đưa đơn hàng về cho doanh nghiệp.