Đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân

Khương Trung|26/08/2023 15:23

Tại Phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của luật đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân...

Tiếp tục Phiên họp thứ 25, sáng 25/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

ha-1-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Toàn cảnh phiên họp

Tại Phiên họp, đề cập về Một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là dự án Luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Các nội dung khác của dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát; đặc biệt là các điều, khoản chuyển tiếp, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nội dung sửa đổi, bổ sung các luật để phù hợp với Luật Đất đai, đến nay chưa có Báo cáo của Bộ Tư pháp về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật mới được dự thảo sơ bộ; cần được tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin đề xuất báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về định hướng cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

ha-2-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, để kịp thời phục vụ Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật (ngày 30/8/2023), xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đồng thời gửi dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ Hội nghị. Nội dung tập trung thảo luận dự kiến bao gồm 05 nhóm vấn đề được nêu tại Báo cáo đầy đủ.

Trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để có chất lượng tốt nhất có thể; xin ý kiến Đoàn ĐBQH và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện các bước quy trình tiếp theo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Ngăn chặn tình trạng vừa điều chỉnh quy hoạch là thu hồi đất

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, cơ quan đã tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung chính như: xác định giá đất, thu hồi đất, tính thống nhất giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác…

ha-3-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, tác động lớn đến xã hội nên cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật đã rà soát kỹ lưỡng các điều khoản. Uỷ ban Pháp luật có 4 báo cáo được Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật nên đề nghị Ủy ban Kinh tế khẩn trương xử lý các vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6.

Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng được yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật theo dõi thường xuyên, xem xét lại về tính đồng bộ của hệ thống đất đai với các luật khác để có sự điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có mối quan hệ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)… nên cũng phải sửa đổi, bổ sung song hành.

ha-4-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cần làm rõ thêm ở Điều 158 về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích sử dụng đất đang sử dụng hiện tại hay là trong tương lai. Bởi những mảnh đất nông nghiệp, mảnh đất vườn hiện nay nếu mà quy hoạch sau này sẽ là đất công cộng, thu lại làm đường hoặc làm công viên thì sẽ rất khác với lại giá của những mảnh đất cũng là vườn, cũng là đất nông nghiệp nhưng mà sau này quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ hoặc là đất ở.

Trong những trường hợp nào Nhà nước đứng ra thu hồi đất thì chỉ trả theo đúng mục đích sử dụng đất hiện nay mà người dân đang sở hữu. Còn trong các trường hợp mà quy hoạch hoặc là trong tương lai mà có thể các cái mục đích sử dụng có giá trị gia tăng cao hơn thì chúng ta sẽ quy định một cách rõ ràng. Bởi vì trong thực tiễn thì việc tiếp cận thông tin cũng như là sự bất bình đẳng, bất đối xứng giữa người có các mảnh đất đó với doanh nghiệp phát triển đô thị cũng như là đối với các cơ quan Nhà nước rất là khác nhau.

Liên quan đến việc thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất. Mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chúng ta chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra được công khai và minh bạch.

Về cơ chế thỏa thuận ở Điều 127 có đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất là không có quy định về việc là nếu như mà đã thỏa thuận được 80% còn 20% chưa thỏa thuận được thì Nhà nước đứng ra thu hồi. Ủy ban Tư pháp nhận thấy phương pháp thứ nhất có hai cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng con đường hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng con đường thỏa thuận, tức là một bên hành chính, một bên dân sự. Tuy nhiên, chúng ta lại đưa ra cơ chế thứ ba vừa là dân sự và hành chính thì đề nghị cần có sự cân nhắc. Nếu thực hiện theo thỏa thuận thì theo cơ chế thỏa thuận hoàn toàn còn theo hành chính thì theo cơ chế hành chính hoàn toàn. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp đồng ý với những quy định về giải quyết trong dự thảo Luật.

ha-5-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các Luật Đất đai qua các thời kỳ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu. Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận.

Với hướng tiếp cận trên, có thể quy định thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất. Trong thực tế, có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất. Cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này.

Dẫn chứng công tác cán bộ hiện nay cũng phải trong quy hoạch một thời gian mới được xem xét bổ nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất cũng tiếp cận theo cách này để ngăn chặn việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai.

Dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành, cơ quan hữu quan cần quan tâm tập trung hơn, dốc toàn lực hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.

Rà soát, tiếp thu, giải trình thuyết phục đầy đủ các ý kiến của Nhân dân, Đoàn ĐBQH...

ha-6-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành liên quan đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp và sẽ có phản hồi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan khác của Quốc hội để chuẩn bị kỹ lưỡng các báo cáo trước khi trình Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6.

ha-7-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Ủy ban Thường vụ đánh giá cao sự chỉ đạo tích cực của Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật; chung sức, đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các quy định của luật đi vào cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ luật pháp quan trọng của nhiệm kỳ, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân.

ha-8-bat-dong-san-vlr-26082023.png
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp

Ủy ban Kinh tế thực hiện đúng chức năng của cơ quan thẩm tra, đảm bảo nguyên tắc làm việc, đảm bảo yêu cầu tập trung và giải quyết các nội dung cơ bản; phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để giải quyết các nội dung có trọng tâm, trọng điểm và cũng lưu ý đề phòng các biểu hiện có cài cắm lợi ích nhóm, không chặt chẽ có thể phát sinh các vấn đề tiêu cực. Vấn đề này nếu phát hiện ra thì sẽ phải được xử lý nghiêm minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời cho ý kiến đối với các nội dung của Ủy ban Kinh tế, các cơ quan Quốc hội xin ý kiến tham gia vào dự án Luật. Bộ Tài nguyên Môi trường khẩn trương gửi Ủy ban Kinh tế báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra và các ý kiến của ĐBQH. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tập trung, có kế hoạch và lộ trình để tham gia phối hợp để tham gia vào các vấn đề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình, thuyết phục đầy đủ các ý kiến của Nhân dân, Đoàn ĐBQH, ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, lấy ý kiến Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoàn thiện hồ sơ luật, lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo monre.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO