Để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế của miền Trung – Tây Nguyên

25/04/2017 16:47

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Với lợi thế về địa lý, thành phố Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, việc xây dựng một trung tâm logistics loại I tại đây đã được thành phố đặt ra và đang khởi động là một bước phù hợp.

(Vietnam Logistics Review) Với lợi thế về địa lý, thành phố Đà Nẵng đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, việc xây dựng một trung tâm logistics loại I tại đây đã được thành phố đặt ra và đang khởi động là một bước phù hợp.

Khởi động một trung tâm logistics đa phương thức

Theo quy hoạch đã được duyệt thì Trung tâm (TT) Logistics Đà Nẵng được đặt tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích hơn 140 ha. Trong đó, phần lớn mặt bằng dành cho cảng cạn ICD và đất ga, đường sắt. Tiếp đến là bãi xe tải, kho bãi, đường giao thông, nhà ở công nhân, đất sản xuất phụ, cây xanh, trung tâm điều hành, dịch vụ phụ trợ… Vị trí xây dựng TT được các nhà hoạch định coi là “vi thượng thuận” bởi nó ở gần sát QL14B về hướng Nam và đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi về hướng Tây. Từ đây chỉ cách các đầu mối giao thông quan trọng như ga Đà Nẵng 8 km, sân bay quốc tế Đà Nẵng 12 km, sân bay quốc tế Phú Bài 80 km, sân bay Chu Lai 101 km, cảng trung chuyển quốc tế Liên Chiểu 10 km, cảng Tiên Sa 20 km, cảng Dung Quất 116 km...

Tàu hàng container cập cảng Đà Nẵng

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, TT Logistics Đà nẵng là địa điểm trung chuyển các luồng hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu (XNK) và quá cảnh theo hướng Bắc – Nam và Hành lang kinh tế Đông – Tây phục vụ cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và các luồng hàng quá cảnh từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Là nơi dự trữ hàng hóa, phân phối phục vụ hoạt động thương mại cho thành phố Đà Nẵng và cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, TT Logistics Đà Nẵng còn đảm nhận chức năng giao nhận vận tải đa phương thức qua các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không… Tại đây sẽ thực hiện các thủ tục hải quan cho hàng XNK, thu gom hàng rời lưu trữ container trước hoặc sau khi xếp dỡ từ các phương tiện vận chuyển khác nhau…

Hiện nay TT Logistics Đà Nẵng đang được vận hành, mà khởi đầu là việc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án TT Logistics U&I - Đà Nẵng vào đầu tháng 2 vừa rồi. Dự án này do Công ty Cổ phần Logistics U&I (Bình Dương) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 316 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ quý III/2017 và đi vào hoạt động từ quý I/2018; giai đoạn 2 triển khai từ quý I/2021 và đi vào hoạt động từ quý II/2021.

“Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC Đà Nẵng cho biết, TT Logistics U&I - Đà Nẵng là dự án dịch vụ logistics đầu tiên tại Khu CNC Đà Nẵng. TT được xây dựng trên diện tích đất 5,07ha trong khu hậu cần logistics và dịch vụ CNC. TT này sẽ cung cấp hàng loạt dịch vụ logistics như giao nhận hàng hóa XNK; đại lý làm thủ tục hải quan; vận tải hàng hóa; cung cấp dịch vụ kho ngoại quan, kho lạnh, kho CFS…

Cũng theo ông Hùng Anh, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, đồng bộ của Đà Nẵng và kế hoạch phát triển cảng Liên Chiểu thành TT logistics của cảng Đà Nẵng, thì TT Logistics U&I - Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng mang tính “tiên phong” đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Toàn cảnh cảng Tiên Sa nhìn từ trên cao

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Tuy nhiên, nếu nhìn một khía cạnh khác thì việc xây dựng TT Logistics Đà Nẵng vẫn còn không ít khó khăn. Trong một báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng gần đây đã cho thấy, ngoài những bất cập trong việc triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực tổ chức quản lý vận tải và công tác đánh giá, định hướng phát triển vận tải hàng hóa thì, với diện tích mặt bằng dành cho TT Logistics Đà Nẵng hiện hữu vẫn chưa đảm bảo nhu cầu cho một TT logistics loại I. Đó là chưa nói đến phần lớn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh logistics hiện nay đa phần là các DN vừa và nhỏ. Họ chỉ mới khai thác một số hoạt động logistics trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là hệ thống giao thông dành cho xe container còn chưa đồng bộ; nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn hóa trong lĩnh vực logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành…

Tàu hàng container cập cảng Đà Nẵng

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, để khắc phục những bất cập trên, thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển hệ thống kho bãi, kho dự trữ hàng thiết yếu phục vụ XNK và hàng nội địa thông qua việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, miễn giảm tiền thuê đất… để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra thành phố cũng sẽ đặt ra chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) cho hoạt động logistics thông qua liên kết với các trường đại học, trường dạy nghề và có chính sách thu hút nguồn nhân lực CLC tại các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN.

Để tạo nền tảng hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế lớn của miền Trung – Tây nguyên, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều dự án có ý nghĩa như nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 2, xây dựng cảng hành khách du lịch tại cảng Tiên Sa, xây dựng nhà ga quốc tế Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời triển khai các hạng mục xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Liên Chiểu và quy hoạch đô thị cảng này thành cảng tổng hợp, có tính đến các khu logistics chuyên nghiệp, hiện đại trong khu đô thị; triển khai dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga mới tại quận Liên Chiểu… Các dự án nói trên sẽ trở thành chuỗi kết nối các đầu mối giao thông quan trọng với các khu công nghiệp, khu logistics tại TT Logistics Đà Nẵng trong tương lai.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế của miền Trung – Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO