Diễn đàn M&A Việt Nam: Chung tay cùng thịnh vượng

Bảo Hân |29/11/2023 09:32

Ngày 28/11, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông đánh giá cao Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức, trong suốt 15 năm qua, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Hơn 7.000 lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức và các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, cùng hơn 500 diễn giả trong nước và quốc tế và hàng trăm vị đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương đã trực tiếp tham dự diễn đàn.

z4925159053740_f14a77a2e090d31932414344bc0d6189.jpg
Diễn đàn M&A Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ

"Diễn đàn là một kênh cung cấp thông tin và kiến thức hữu ích về hoạt động M&A thông qua các cuộc thảo luận giữa đại diện cơ quan nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp tiên phong, các nhà tư vấn và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Sự kiện thường niên này còn giúp kết nối, mở ra những ý tưởng mới, thúc đẩy sự thành công của hàng loạt thương vụ M&A ở các quy mô khác nhau", Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

M&A Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn

Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global phát hành ngày 15/11/2023, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần như suốt năm 2023 nhưng đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm tới. Việc FED dừng tăng lãi suất tạo ra một môi trường lãi suất ổn định, sẽ thúc đẩy các thương vụ và nâng triển vọng của thị trường M&A toàn cầu trong năm tới.

Ở trong nước, thị trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, thị trường tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.

z4925142534171_ff2dfeda09a532bdc9faa5e0cfd39e14.jpg
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông: Diễn đàn thành công, góp phần tạo lập, hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam

Giai đoạn khó khăn cũng là lúc thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược của mình, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay cùng phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.

Một tín hiệu tích cực là chính các doanh nghiệp trong nước cũng đang nổi lên với tư cách bên mua, sẵn sàng tiếp quản tài sản của các doanh nghiệp đồng hương cũng như của nước ngoài để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Cơ hội ngày một trở nên rộng mở để các bên tham gia tìm thấy điểm tựa chung, cùng chung tay đi đến thịnh vượng với sự ủng hộ, hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.

Những cơ hội đến từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia tới việc đầu tư hình thành hệ sinh thái sản xuất chíp, chất bán dẫn, linh kiện máy bay, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn. Trong đó, việc khánh thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là cơ hội lớn để thu hút đầu tư.

Đây là những tiền đề, yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6,0-6,5%, như Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mà Quốc hội vừa thông qua.

“Chung tay cùng thịnh vượng”

Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng” được tổ chức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sau các tác động của dịch COVID-19, của biến động địa chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.

z4925142713872_762b7bd60ecc61dadb8c8bfa2e4d6675.jpg
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Lê Trọng Minh - Tổng biên tập báo Đầu tư, kinh tế Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn do những tác động kép từ sự bất định bên ngoài và những hạn chế nội tại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được coi là một điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế. Sự chững lại hiện nay chỉ là một động thái tạm thời trong một chu kỳ rộng hơn, với 2023 là một năm thị trường M&A được kỳ vọng sẽ tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.

Dù còn nhiều ẩn số cần giải đáp, nhưng khả năng phục hồi và tăng tốc trở lại với thị trường M&A Việt Nam trong thời gian tới khá rõ ràng. Nhất là khi xem xét những yếu tố hậu thuẫn mạnh mẽ như việc thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như những lĩnh vực được các nhà đầu tư lớn đặc biệt quan tâm như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ, bất động sản, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn, chip…

Bên cạnh đó, nhu cầu về vốn, bí quyết công nghệ và các chiến lược tái cấu trúc của ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng hứa hẹn thêm nhiều cuộc kết duyên tốt đẹp trong thời gian tới.

Là một trong những tâm điểm theo dõi của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A Việt Nam vẫn sẽ là mảnh đất để “Chung tay cùng thịnh vượng”.

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nhấn mạnh, trong đó có việc tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia…

z4925142355720_a06d18fbf35f7eea43068bb9e79aaf43(1).jpg
 Theo các diễn giả, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại

Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng…; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, như tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Đồng thời, tiết giảm chi phí tuân thủ, logistics, giải quyết các vướng mắc về đất đai, nhân lực, hạ tầng, bất động sản…

"Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn M&A Việt Nam: Chung tay cùng thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO