Diễn đàn Vietnam Connect 2023 - "Xanh và công nghệ số"

Bảo Hân (tổng hợp) |18/03/2023 10:12

Diễn đàn Vietnam Connect 2023 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức, tập trung đề cập và bàn thảo các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép "xanh và công nghệ số", xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.

koi0087-1679042702882375176633.jpg
"Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên", Phõ Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ.

Chủ đề Diễn đàn cũng sẽ được phân tích và thảo thuận trên cơ sở các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững; là nơi đòi hỏi từng địa phương chủ động phát huy thế mạnh của mình - điều kiện cần, song, điều kiện đủ chính là liên kết vùng nhằm đảm bảo sự hài hòa và gia tăng sức mạnh cho từng địa phương trong việc đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho hay trên thế giới, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hiện là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và bứt phá vươn lên.

Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia với việc chủ động, tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng quản lý hiệu quả và tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: "Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn".

Theo hướng đó, Chính phủ đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ XXI; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Thích ứng toàn cầu.

Tháng 12/2022, Việt Nam đã cùng các nước G7 và một số đối tác quốc tế công bố Tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang triển khai Tuyên bố này.

"Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD.

Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030
", Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.

Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.

"Theo hướng này, trong thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Tuy nhiên để có thể đạt được những kết quả có tính đột phá, bứt phá thì còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện
" Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.

mq106599-16790431234101306260214.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Vietnam Connect 2023 tại Đà Nẵng - Ảnh: VGP

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình chuyển đối số quốc gia với mục tiêu được đề ra là "Năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị mới của Việt Nam", do đó, Phó Thủ tướng đề nghị diễn đàn tập trung trao đổi thẳng thắn, sâu sắc và toàn diện về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với mục tiêu quyết tâm tạo đột phá về phát triển bền vững cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó, từ các bài học và kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững tại địa phương.

Đồng thời đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút các nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển bền vững; đề xuất các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định: "Trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chính phủ và các địa phương liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội và triển khai các hoạt động hợp tác; đồng hành cùng các đối tác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vì mục tiêu làm cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tăng trưởng và phát triển ngày càng nhanh, xanh và bền vững hơn
".

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định miền Trung và Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nơi đây có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.

Thực hiện phương châm "phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước", "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", cùng với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác; đẩy mạnh phát huy các hình thức ngoại giao mới phục vụ phát triển, trong đó có ngoại giao khí hậu, ngoại giao công nghệ…; tập trung tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu trong thời gian tới nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các chính sách của Chính phủ, địa phương. 

"Chúng tôi tin rằng diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối thoại, thảo luận cùng tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, vào quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế bao trùm, bền vững", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc giao cho hay.

Còn ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, cách tiếp cận "chuyển đổi kép xanh và công nghệ số" đang trở thành xu hướng trên thế giới. Đà Nẵng cũng đã và đang đón đầu xu thế, xác định chuyển đổi số là động lực để giải quyết các "điểm nghẽn", tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, đặc biệt tạo thêm các lĩnh vực mới, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống.

Ông Lê Trung Chinh cho biết triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU và Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh; với 3 trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP.

Song song với chuyển đổi số, Thành phố còn quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và hưởng ứng "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050", bắt đầu xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng tăng trưởng xanh trên địa bàn.

20230317135146-1679043274728191637600.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Vietnam Connect 2023

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2030, quy mô dân số Đà Nẵng phải đạt khoảng 1,5 triệu dân, GRDP đạt hơn 2% trong tổng GDP quốc gia. Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII đã xác định lại tỉ lệ cơ cấu kinh tế.

Theo đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa ưu thế do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại, trong đó, kinh tế tuần hoàn - tăng trưởng xanh là mô hình kinh tế hiện đại được cho là rất phù hợp với điều kiện, bối cảnh và nguồn lực của Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình "thành phố thông minh toàn diện", "thành phố môi trường", tăng trưởng xanh.

Ngay sau phần tham luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận với các ý kiến của chuyên gia quốc tế và Việt Nam về kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, chuyển đổi số cùng lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp.

Dịp này, Diễn đàn Vietnam Connect 2023 tổ chức lễ công bố và vinh danh các doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2022-2023 nhận Giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 22./.

Nguồn: Chính phủ

Bài liên quan
  • "Logistics xanh" nhận thức và hành động
    Để có “Logistics xanh”, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đã đến lúc phải khởi động, xây dựng “Văn hóa logistics xanh”. Dù khó khăn, lâu dài nhưng phải hành động bền bỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Vietnam Connect 2023 - "Xanh và công nghệ số"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO