Cán bộ Chi cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa NK - Ảnh: H.Nụ
Nhằm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu NSNN Bộ Tài chính giao, trên cơ sở số thu NSNN 9 tháng, Tổng cục Hải quan điều chỉnh tăng chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2019 đối với 14 đơn vị và giảm đối với 6 đơn vị. 15 đơn vị còn lại vẫn giữ nguyên chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra.
Cụ thể, Cục Hải quan Hải Phòng từ 53.600 tỷ đồng lên 63.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Lạng Sơn từ 2.920 tỷ đồng lên 3.400 tỷ đồng; Cục Hải quan Quảng Ninh từ 9.700 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Khánh Hòa từ 3.200 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng; Cục Hải quan Cần Thơ từ 2.350 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Nam Ninh từ 7.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng; Cục Hải quan Tây Ninh từ 1.400 tỷ đồng lên 1.450 tỷ đồng; Cục Hải quan Quảng Ngãi từ 2.500 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Bình Định từ 1.200 tỷ đồng lên 1.230 tỷ đồng; Cục Hải quan Quảng Trị từ 400 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Giang từ 280 tỷ đồng lên 285 tỷ đồng; Cục Hải quan Cao Bằng từ 135 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng; Cục Hải quan Kiên Giang từ 500 tỷ đồng lên 550 tỷ đồng; Cục Hải quan An Giang từ 460 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.
6 đơn vị được điều chỉnh giảm chỉ tiêu phấn đấu gồm: Cục Hải quan Đồng Nai 19.500 tỷ đồng xuống còn 18.600 tỷ đồng; Cục Hải quan Đà Nẵng từ 4.100 tỷ đồng xuống còn 4.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Nghệ An từ 1.788 tỷ đồng xuống còn 1.700 tỷ đồng; Cục Hải quan Thừa Thiên Huế từ 570 tỷ đồng còn 554 tỷ đồng; Cục Hải quan Đắc Lắc từ 880 tỷ đồng còn 858 tỷ đồng và Cục Hải quan Gia Lai- Kon Tum từ 321 tỷ đồng còn 310 tỷ đồng.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2019; Nghị quyết 02/NQ-CP; Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Chỉ thị 723/CT-TCHQ ngày 30/1/2019 về triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.
Đồng thời, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, nợ chờ miễn, giảm, xóa; mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng DN nợ; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các giải pháp thu hồi và xử lý nợ đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa XNK; chỉ đạo tổ đôn đốc thu hồi nợ khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp đôn đốc thu hồi, xử lý nợ do đơn vị mình quản lý, đảm bảo số nợ đến 31/12/2019 thấp hơn số nợ tại thời điểm 31/12/2018 và đây là căn cứ để làm tiêu chí xét hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 đối với các đơn vị.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị địa phương tập trung rà soát, kiểm tra các điều kiện hoàn thuế và tờ khai hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế theo quy định. Trong đó tập trung kiểm tra các trường hợp hoàn thuế theo C/O của các mặt hàng xăng dầu, mặt hàng linh kiện xe ô tô theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, đơn vị ban hành quyết định hoàn thuế và lập lệnh hoàn trả gửi Kho bạc Nhà nước. Trường hợp người nộp thuế được hoàn thuế nhưng còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp và các khoản thu khác thì thực hiện bù trừ số tiền thuế được hoàn với số tiền còn nợ.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, tập trung kiểm tra về trị giá, mã số, xuất xứ… đối với các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch NK lớn, tần suất NK nhiều.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, trong năm 2019 là năm thuế suất thuế NK theo các Hiệp định tự do thương mại (FTA) tiếp tục cắt giảm mạnh, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, do đó, các đơn vị cần tập trung nguồn lực kiểm tra các điều kiện đối với hàng hóa hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA, trong đó, chú trọng kiểm tra C/), chủ động xác minh, làm rõ các trường hợp nghi vấn gian lận xuất xứ, tránh trục lợi, gian lận thương mại gây thất thu NSNN.