Doanh nghiệp chờ người lao động

Báo Người lao động|11/10/2021 08:38

(VLR) Sau khi nhiều tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và đối diện với bài toán thiếu hụt lao động trầm trọng

Ngành dệt may dự báo thiếu hụt trầm trọng lao động trong quý IV/2021

Ngành dệt may dự báo thiếu hụt trầm trọng lao động trong quý IV/2021

Sau khi Bình Dương nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đến nay, khoảng 85% doanh nghiệp (DN) tại các KCN đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, điều khiến các DN đau đầu là khá nhiều người lao động (NLĐ) đã về quê nhưng không hẹn ngày trở lại.

Đứt gãy nguồn cung lao động

Khoảng 80% trong số gần 1,3 triệu công nhân (CN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương là lao động nhập cư. Đợt dịch thứ 4 kéo dài nên rất nhiều người đã về quê - người đi tự phát, người theo đoàn có tổ chức, ước tính hơn 300.000 trường hợp. Mặc dù tình hình dịch bệnh đã giảm song tâm lý của nhiều người vẫn còn lo ngại, chưa sẵn sàng trở lại nhà máy làm việc. Số khác nếu muốn cũng chưa thể trở vào vì phương tiện vận chuyển vẫn chưa hoạt động lại. Dự báo, từ đây đến cuối năm 2021, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động.

Ông Nguyễn Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) - cho biết do nhiều NLĐ về quê nên sắp tới, nhu cầu nhân lực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ là rất lớn, nguy cơ thiếu hụt nếu các DN tăng tốc sản xuất. Ông Liêm dẫn chứng tại công ty của mình, hiện chỉ còn khoảng 40% lao động ở lại trong số khoảng 1.000 người, trong khi đơn hàng thì khá dồi dào nhưng nhân lực không có buộc DN phải từ chối một số đối tác.

Công ty TNHH Uchiyama (KCN Đại Đăng, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ông Nguyễn Viết Xiêm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty, cho biết trở về trạng thái "bình thường mới", DN cần tuyển khoảng 400 lao động. Ngoài việc để bù đắp cho số CN đã về quê thì công ty cần thêm lao động để đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng.

"Những ngày này, chúng tôi chủ động đăng tuyển dụng trên các kênh như Facebook, liên lạc với nhân viên cũ hoặc nhờ nhân viên trong công ty giới thiệu (có thưởng nếu thành công). Tuy nhiên, việc tuyển dụng hết sức khó khăn" - ông Xiêm lo ngại.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức đưa hơn 30.000 CN lao động về quê tại các tỉnh, thành miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên sau nhiều tháng họ phải ngừng việc vì dịch Covid-19. Việc NLĐ về quê khiến nhiều DN lo lắng thiếu hụt lao động khi trở lại sản xuất bình thường.

Bà Đỗ Thị Thúy Kiều, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Advanced Multitech (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), cho hay DN có trên 1.700 lao động. Để duy trì sản xuất, những tháng qua, DN thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 200 lao động. Số lao động còn lại phải tạm ngừng việc. Hơn 1.500 CN còn lại hoặc là đã về quê hoặc đang ở trong các khu vực phong tỏa.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, nhiều DN và chuyên gia lao động đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề lớn nhất của các DN hiện nay chính là việc kéo NLĐ trở lại làm việc. Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), cho biết đầu năm 2021, tổng số NLĐ làm việc trong các KCX-KCN tại TP là 288.000. Khi dịch bùng phát và phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì chỉ có 720 DN tham gia với 64.000 NLĐ. Các DN sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến 2 cung đường" cũng bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí quá lớn.

Tất cả DN đang muốn mở cửa hoạt động nhưng gặp khó khăn về lao động và nguyên vật liệu do đứt gãy nguồn cung. Thống kê của Hepza cho thấy khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP HCM đã về quê, trong đó chủ yếu là các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Bài toán khó đang chờ lời giải

Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế, thương mại trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư với biến thể mới Delta đã ảnh hưởng nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Tính tới giữa tháng 8/2021, theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành phía Nam, khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước.

Gần 1 tháng qua, do tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không có việc làm và thu nhập, hàng triệu NLĐ đã rời TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cảnh báo chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy do khan hiếm lao động. Đây là bài toán khó cho các DN khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Tại buổi đối thoại trực tuyến "Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam" do Vitas phối hợp với Lefaso tổ chức, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động - Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, sẽ phải mất 3-5 tháng để NLĐ trở lại nhà máy. "Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2021, ngành dệt may, da giày phải đối diện với vấn đề thiếu lao động trầm trọng do NLĐ có xu hướng về quê tránh dịch, chưa quay trở lại làm việc ngay" - bà Chi khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết trong quá trình tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bến Tre, gặp gỡ NLĐ ở TP. HCM cũng như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về Bến Tre và một số lao động khác về Trà Vinh, họ phản ánh không còn gì để sống, khó bám trụ được. Nhiều NLĐ có con nhỏ, khó khăn đủ điều. Cho nên, việc trở về quê là nhu cầu thật sự của họ.

Theo ông Đặng Thuần Phong, NLĐ không phải không lưu luyến TP. HCM hay Bình Dương, Đồng Nai bởi đây vốn là nơi lập nghiệp, hy vọng đổi đời của họ. Song, khi gặp khó khăn, họ mong sự đùm bọc của quê hương để sống và chờ cơ hội khác. Điều này tạo hiệu ứng đám đông kéo nhau về quê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

"DN đã cố gắng tối đa trong khả năng của mình như kêu gọi, vận động chính quyền địa phương lo các gói an sinh để giữ chân NLĐ. Nhưng NLĐ chưa an tâm và họ đã trở về quê hương. Bài toán này không giải được sẽ tạo hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi sản xuất" - ông Phong nhìn nhận.

Thuyết phục người lao động không về quê tự phát

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản gửi LĐLĐ các tỉnh, thành và các Công đoàn ngành, yêu cầu thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành; Công đoàn ngành trung ương; Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục NLĐ không tự phát rời nơi đang cư trú để về quê; động viên NLĐ tiếp tục trở lại khi DN tái sản xuất. Cấp cấp Công đoàn chỉ đạo Công đoàn cơ sở bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) ban hành các chế độ, chính sách giữ chân NLĐ như: trả "lương tạm nghỉ việc", hỗ trợ tài chính để NLĐ tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình; tăng lương, thưởng, phúc lợi khi DN đi vào sản xuất có hiệu quả; bố trí phương tiện đón NLĐ từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường và chi phí khác khi trở lại DN.

"Các cấp Công đoàn chủ động đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm thủ tục để NLĐ có nhu cầu trở lại làm việc cho DN, bảo đảm quy định của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19" - ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lưu ý.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp chờ người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO