Doanh nghiệp và Gen Z thấu hiểu nhau: Chìa khóa vượt khủng hoảng

Hiếu Tú Thành|18/01/2023 10:02

Vẫn còn nhiều cơ hội cho nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và Logistics sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Song song với đó là làm sao để các nhà tuyển dụng đến từ doanh nghiệp và lực lượng lao động Gen Z thấu hiểu lẫn nhau để hợp tác một cách hiệu quả, cùng nhau vượt qua những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng mà chính các doanh nghiệp Logistics vừa và nhỏ đang chịu tác động sâu sắc nhất.

Năm 2022, thế giới bắt đầu bước vào khủng hoảng kinh tế và ngành Logistics cũng không thể là một ngoại lệ. Những khó khăn tiềm tàng sẽ tiếp diễn trong năm 2023 tới tạo nên một viễn cảnh không mấy tốt đẹp. Điều này đã được chứng minh qua việc Amazon thông báo về kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên hay Twitter, Facebook cắt giảm gần một nửa lực lượng lao động... Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất với nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ xảy ra vào nửa cuối của năm 2023. Tổng giám đốc một tập đoàn Logistics hàng đầu Việt cho biết đã tạm dừng toàn bộ chiến dịch tuyển dụng từ nay cho đến cuối năm sau. Ông cũng cảnh báo rằng mọi người sẽ rất khó tìm việc làm trong năm tới hoặc thậm chí giữ công việc hiện tại do chính sách thắt chặt ngân sách của các doanh nghiệp.

screenshot_1671423006-compressed.jpg

Trong talkshow “Thích nghi với thay đổi nơi làm việc”, ông Thomas Sim (Phó chủ tịch FIATA) đã tiết lộ lý do tại sao có quá nhiều sự khắc nghiệt và mất cân bằng trong lực lượng lao động Việt Nam. Đó là khoảng cách thế hệ và khả năng bắt kịp những thay đổi. Khi “số hóa” đang chiếm ưu thế như hiện nay, khả năng học hỏi và thích ứng luôn đóng vai trò quan trọng. Trong khi Gen Y hiện tại đã ở cấp quản lý sau một thời gian dài kiên trì tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thì bây giờ họ nên học cách sử dụng tài năng từ Gen Z, những người sắp tham gia lực lượng lao động trong vài năm tới. Mặt khác, những bạn trẻ thuộc Gen Z cũng cần xác định cụ thể con đường sự nghiệp của mình và gắn bó với nó một cách nghiêm túc.

Hãy cho Gen Z một lý do để làm việc và cống hiến

Theo khảo sát thế hệ Gen Z và Millennial (Gen Y) năm 2022 của Deloitte, nguyên nhân nghỉ việc ngày nay không chỉ đến từ thu nhập thấp hay cảm giác bị bóc lột sức lao động mà còn phải kể đến những yếu tố khác như văn hóa công sở, cơ hội học tập và thăng tiến nghề nghiệp cũng như việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao nguồn nhân lực Gen Z, và đáp lại các bạn thuộc thế hệ này cũng rất nỗ lực trong việc tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hơn 40% số lượng lao động Gen Z từ chối cơ hội việc làm vì cho rằng nó không xứng đáng với giá trị bản thân.

Việc xem trọng cơ hội học tập và thăng tiến nghề nghiệp có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên do nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kỹ năng ngày càng cao. Đặc biệt là trong 10 năm tới khi mà Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác sẽ tạo nên thay đổi lớn trong môi trường làm việc. Thế hệ Gen Z (chiến khoảng 37% lực lượng lao động trong thời gian tới) cần học cách thích ứng để hoàn thành công việc nhằm tăng sự hấp dẫn trong mắt nhà tuyển dụng.

screenshot_1671423633-compressed.jpg

Theo PwC tại ViệtNam,72% thế hệ Gen Z quan tâm đến việc học các kỹ năng số so với con số chỉ đạt mức 52% trên toàn thế giới. Đặc biệt là 37% trong số đó lựa chọn theo đuổi một ngành công nghệ cụ thể nhằm đạt được những thành tựu nhất định. Thực tế cho thấy việc quá tập trung vào công nghệ ngày nay dẫn đến một số hệ lụy như suy giảm khả năng giao tiếp cũng như ảnh hưởng sức khỏe đặc biệt là các tật về mắt.

Lý tưởng trong công việc cũng quan trọng không kém. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ Gen Z hoặc thậm chí là các nhà lãnh đạo thuộc Gen Y khi họ sẵn sàng từ chối công việc khi nó không phù hợp với triết lý sống hay lý tưởng bản thân. Cụ thể theo một khảo sát cho thấy gần 47% lực lượng Gen Z và các lãnh đạo hàng đầu thuộc Gen Y đã chọn cách từ bỏ công việc vì nguyên nhân không phù hợp với quan điểm đạo đức cá nhân.

Mặc dù những tác động liên quan đến xã hội hay môi trường cũng như sự phù hợp văn hóa không được ưu tiên khi lựa chọn việc làm, các nhân sự hài lòng với chính sách của một doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng cống hiến với công việc mình lựa chọn dài hơn 5 năm. Ngày nay việc các trường Đại học tại Việt Nam có xu hướng chọn các môn về quản trị chiếm tỷ trọng chính trong chương trình đào tạo đã góp một phần không nhỏ vào việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên việc này cũng mang lại tác động tiêu cực khiến nguồn nhân lực Gen Z đang còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ không kiên nhẫn với bất kỳ công việc chuyên môn nào bất chấp các chính sách đãi ngộ từ nhà tuyển dụng.

Theo một nghiên cứu về xu hướng kỹ năng nhề nghiệp cần thiết của PwC được thực hiện vào năm 2020, cho thấy Gen Z có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm đồng thời cho thấy họ có sự kết hợp tuyệt vời giữa tính sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và sự am hiểu về một công nghệ số nhất định. Đồng thời họ cũng cho thấy một sự cân bằng trong suy nghĩ khi 46% thế hệ Gen Z tại Việt Nam cho thấy trách nhiệm nâng cao kỹ năng trong công việc là trách nhiệm của các doanh nghiệp hay thậm chí là chính phủ, và 54% còn lại nhận ra được việc này thuộc về trách nhiệm cá nhân mỗi người lao động.

Trên thực tế, Gen Z đã chứng minh họ là lực lượng lao động làm việc từ xa hiệu quả nhất. Việc này trở nên phổ biến đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát gần đây mang tên Pulse6 của PwC về mô hình làm việc trong tương lai dự đoán hình thức làm việc từ xa sẽ lên ngôi và đây sẽ là một tiêu chuẩn mới trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự. Trong khi 57% số lượng công dân Gen Z (lực lượng chiếm một phần ba lực lượng lao động tại Việt Nam vào năm 2025) cho biết họ tự tin sẽ làm việc hiệu quả tại nhà, thì liệu các doanh nghiệp đã chuẩn bị gì về cơ sở hạ tầng và cả quan điểm văn hóa nhằm tận dụng được nguồn nhân lực này.

Cuối cùng, vẫn còn nhiều cơ hội cho nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và Logistics sẽ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Song song với đó là làm sao để các nhà tuyển dụng đến từ doanh nghiệp và lực lượng lao động Gen Z thấu hiểu lẫn nhau để hợp tác một cách hiệu quả, cùng nhau vượt qua những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng mà chính các doanh nghiệp Logistics vừa và nhỏ đang chịu tác động sâu sắc nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp và Gen Z thấu hiểu nhau: Chìa khóa vượt khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO