Tham dự buổi Lễ có ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN, ông Dominique Parivicini - Quốc vụ khanh Thụy Sĩ, kiêm phụ trách hoạt động hợp tác phát triển kinh tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO), ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Thomas Gass - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Thụy sỹ tại Việt Nam, đại diện Văn phòng SECO tại Việt Nam, Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ (SECO), đại diện một số đơn vị, Vụ Cục của NHNN.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đánh giá cao Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu” và cho rằng đó là một trong những hỗ trợ rất quan trọng nhằm hỗ trợ kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của fintech nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy nền tài chính toàn diện quốc gia. Dự án cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua sự phát triển và đóng góp của ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
Phó Thống đốc cho biết, Fintech là trọng tâm trong kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nhằm mở rộng dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ giúp NHNN củng cố khung pháp lý về tài chính kỹ thuật số, nâng cao năng lực của chính phủ và các bên liên quan, đồng thời hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển ngân hàng số. Sự phát triển nhanh chóng của Fintech tạo động lực cho hoạt động đổi mới, sáng tạo trong cách thức cung ứng các dịch vụ tài chính, giúp tăng hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng, giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với các dịch vụ phù hợp, chi phí hợp lý có tiềm năng mở rộng tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về tài chính toàn diện. Tuy nhiên, đi kèm với nó cũng tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường về cạnh tranh, ổn định tài chính, các rủi ro về vận hành, quản trị, điều hành doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Với nhu cầu cũng như thách thức của ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhà tài trợ SECO đã tài trợ Dự án nhằm hỗ trợ NHNN hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực cho ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện các cải cách, phát triển phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế tốt nhất trong lĩnh vực này.
Phó Thống đốc hy vọng trong thời gian 5 năm triển khai, Dự án Hỗ trợ ký thuật sẽ hỗ trợ NHNN và các cơ quan liên quan tối ưu hóa những lợi ích do Fintech đem lại, đồng thời giải quyết hiệu quả những rủi ro, thách thức đi kèm.
Phó Thống đốc cảm ơn sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Ngân hàng Phát triển châu Á dành cho Việt Nam và cam kết sẽ huy động các nguồn lực cần thiết nhằm đảm bảo Dự án được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả theo các mục tiêu đã đề ra.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Dominique Parivicini, Quốc vụ khanh Thụy Sĩ, kiêm phụ trách hoạt động hợp tác phát triển kinh tế của SECO đánh giá cao sự hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Theo ông Dominique Parivicini, chương trình hỗ trợ kỹ thuật này tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ toàn diện của Thụy Sĩ nhằm củng cố và phát triển sâu hơn lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Thông qua việc phát triển lĩnh vực fintech của Việt Nam và thúc đẩy số hóa lĩnh vực ngân hàng, chương trình mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, đồng thời giảm được chi phí, thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngân hàng và tăng trưởng, phát triển nền kinh tế của Việt Nam.
Ông Dominique Parivicini cho rằng, hỗ trợ kỹ thuật này sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên và Thụy Sỹ sẽ thực hiện tốt nhất các nội dung của Hiệp định hỗ trợ kỹ thuật.
Tại buổi lễ, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, fintech là chìa khóa để thúc đẩy các giải pháp và dịch vụ tài chính thuận tiện và sáng tạo nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả và an ninh tài chính.
Thời gian qua, ADB có nhiều dự án hợp tác có hiệu quả với NHNN. Với Hỗ trợ kỹ thuật này, sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi ngân hàng số tại thị trường đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.
Hỗ trợ kỹ thuật sẽ tổ chức đào tạo các phương pháp hay nhất về fintech và ngân hàng xanh cho nhân viên NHNN, hướng tới phụ nữ tham gia và cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký khoản vay tín dụng xanh. Ngoài ra, Hỗ trợ kỹ thuật sẽ gó phần nâng cao năng lực cho các Bộ, Ngành có liên quan và các thành viên của hiệp hội ngân hàng về lĩnh vực fintech, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng thương mại được lựa chọn trong việc phát triển ngân hàng số.
Ông Shantanu Chakraborty cho biết, ADB mong muốn cùng ngành Ngân hàng Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. ADB sẽ nỗ lực hỗ trợ và Việt Nam đạt được mục tiêu Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu”.
Tại buổi lễ, bà Đào Thúy Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế - NHNN, và ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc ADB tại Việt Nam đã ký kết Thư không phản đối của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu”.
Được biết, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính toàn diện và tài trợ khí hậu” có trị giá 7 triệu USD, được ủy thác qua ADB quản lý. Trong đó, SECO tài trợ 5 triệu USD cho cấu phần về phát triển fintech và Quỹ hỗ trợ châu Á thịnh vượng và bền vững của Nhật Bản (JFPR) tài trợ 2 triệu USD cho cấu phần về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh.