Dự án PPP: Chia sẻ rủi ro hay lời ăn lỗ chịu?

Trần Trình Lãm|09/07/2020 08:00

(VLR) Để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào dự án PPP thì việc chia sẻ rủi ro là vấn đề then chốt. Bởi, dự án PPP là dự án hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân cung cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng công mà đáng lẽ Nhà nước phải làm, khác với dự án đầu tư tư nhân thuần túy “lời ăn lỗ chịu”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tỷ lệ “ăn chia 50 - 50” vì những năm đầu dự án PPP đi vào khai thác hầu hết đều bị lỗ

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tỷ lệ “ăn chia 50 - 50” vì những năm đầu dự án PPP đi vào khai thác hầu hết đều bị lỗ

Có nên “ăn chia 50 – 50”?

Theo dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), nhà đầu tư dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính. Ngược lại, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính. Đây được coi là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định, thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP và được đánh giá rất cao cơ chế chia sẻ rủi ro.

Vẫn còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp

Vẫn còn nhiều điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tỷ lệ “ăn chia 50 - 50” vì những năm đầu dự án PPP đi vào khai thác hầu hết đều bị lỗ. Nếu Nhà nước chỉ chia sẻ 50% phần giảm thu sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, không nên quy định “cứng” tỷ lệ chia sẻ là 50 - 50 mà để nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước đứng ra ký hợp đồng PPP thỏa thuận tỷ lệ theo từng năm và linh hoạt điều chỉnh, đàm phán dựa trên doanh thu thực tế của từng dự án.

Mặt khác, theo cơ chế áp dụng việc chia sẻ giảm doanh thu được căn cứ dựa trên doanh thu thực tế và doanh thu cam kết trong hợp đồng (tối đa 75% doanh thu). Và, để được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, dự án phải do cơ quan có thẩm quyền lập; chỉ áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và hàng loạt điều kiện khác nhưng vẫn chưa đảm bảo được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Theo các chuyên gia, điều này dễ bị lợi dụng trong thỏa thuận của nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền. Đây là kẽ hở cho tiêu cực bởi mức doanh thu cam kết sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các bên, theo đó không có sự nhất quán giữa các dự án.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu quy định, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi doanh thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên; nhưng Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Như vậy có sự không nhất quán khi một bên theo “doanh thu theo phương án tài chính”, một bên theo “doanh thu cam kết”. Cùng với đó, việc quy định “các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết tại hợp đồng nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính” nếu không làm rõ sẽ dẫn đến khả năng nhà đầu tư có thể “đàm phán” với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, không minh bạch trong thực hiện.

Quyền lợi nhà đầu tư khi thay đổi pháp luật

Cũng theo ông Trần Chủng, quy định tại Điều 83 dự thảo Luật PPP, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu phải được xác định tại quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, phải chăng chỉ áp dụng đối với những dự án thực hiện theo Luật PPP, trong khi những dự án đã có chủ trương đầu tư như cao tốc Bắc - Nam sẽ không được áp dụng? Do đó, nên có điều khoản chuyển tiếp, cho phép các dự án đã có chủ trương đầu tư cũng được chia sẻ rủi ro.

Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật

Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật

Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật. Dự thảo Luật PPP hiện chưa có quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Đây là một nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm do sự khó tiên đoán của pháp luật Việt Nam. “Thực tế, điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, các dự án PPP luôn đòi hỏi sự ổn định về môi trường đầu tư cao hơn rất nhiều. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật”, ông Lộc nói.

Thiết nghĩ, Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh, mà không thể đẩy toàn bộ trách nhiệm, rủi ro của việc thực hiện dự án mục đích công này cho tư nhân như đối với dự án do tư nhân đầu tư kinh doanh thông thường “lời ăn lỗ chịu”.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dự án PPP: Chia sẻ rủi ro hay lời ăn lỗ chịu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO