Công văn nêu rõ: Thời gian gần đây, tuy UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo và UBND các huyện đã có cam kết tiến độ hoàn thành nhưng thực tế kết quả thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các huyện có dự án đi qua chưa đảm bảo yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn của Chủ đầu tư.
Để hoàn thành công tác GPMB, kịp thời bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư triển khai dự án, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện có dự án đi qua huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, làm cho người dân hiểu về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án và đồng thuận với dự án. Đồng thời, tập trung nguồn lực, nhân lực để hoàn thành công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản, hoa màu, vật kiến trúc trên đất, áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường và kịp thời chi trả cho các hộ dân đủ điều kiện.
Cụ thể, UBND tỉnh giao UBND huyện Diễn Châu chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Hệ thống điện trung, hạ thế; hệ thống điện lưới sinh hoạt; đường ống nước, viễn thông… trước ngày 10/01/2024 để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Khẩn trương phê duyệt phương án bồi thường đối với các đối tượng bị ảnh hưởng còn lại của các xã, chi trả tiền cho người dân để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong tháng 01/2024 như đã cam kết (Ưu tiên trước bàn giao mặt bằng sạch đoạn từ Km0 – Km5 nối với nút giao của Dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu xuống QL.1).
Cùng với đó, sớm hoàn thành thi công hạ tầng khu tái định cư. Rà soát, hoàn thành các thủ tục liên quan đến chính sách tái định cư để các hộ bàn giao trước mặt bằng thi công cầu vượt đường sắt. Đồng thời lập hồ sơ làm thủ tục xin phép đấu nối đường vào khu quy hoạch với QL7 theo quy định. Hoàn thành trước ngày 30/01/2024.
Giao UBND huyện Yên Thành hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho người dân để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch còn lại trước ngày 10/01/2024.
Giao UBND huyện Đô Lương hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường để chi trả tiền cho người dân để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong quý I/2024. Riêng đối với trường hợp 2 hộ ông Nguyễn Tất Thưởng và bà Đinh Thị Ái, yêu cầu sớm giải quyết các nội dung tồn tại để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công trước ngày 10/01/2024.
Đối với đoạn đất rừng Km25+080 - Km25+400 (trái tuyến) chưa có thủ tục chuyển mục đích rừng, yêu cầu địa phương sớm trình cấp có thẩm quyền thủ tục chuyển đổi trong quý I/2024.
Đối với 15 hộ dân xã Lưu Sơn, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan rà soát trình tự, thủ tục hồ sơ để thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. Đối với cây xăng xã Lưu Sơn, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ Chủ đầu tư để sớm hoàn thành các thủ tục, triển khai xây dựng tại vị trí đề xuất, đồng thời làm việc với Ban QLDA 4 và Chủ đầu tư để thống nhất thời điểm bàn giao mặt bằng thi công cho dự án.
Đối với Ban Quản lý dự án 4, UBND tỉnh đề nghị đơn vị chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung máy móc thiết bị, nhân lực, vật lực để thi công hết phạm vi địa phương đã bàn giao mặt bằng. Trong quá trình thi công phải thực hiện, đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng giao thông để cho người và phương tiện lưu thông thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh bụi bặm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đồng thời, phối hợp tốt hơn với địa phương và cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, phục vụ dự án.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5 km đi qua 3 huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 44,998 km/55,156km (đạt 81,58%) tính cả trái và phải tuyến.
Quốc lộ 7 (còn được gọi là Quốc lộ 7A) là quốc lộ dài 220 km, nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Nghệ An có điểm đầu cắt với tuyến đường sắt Bắc - Nam tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu (giao với Quốc lộ 1); điểm cuối tại cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn).
Tuyến đường này sở hữu lưu lượng giao thông dày đặc, là một trong những trục ngang có vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực Bắc miền Trung và tỉnh Nghệ An. Đây là một trong những tuyến hành lang Đông Tây kết nối vùng trung Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn ra quốc tế thông qua các cảng biển Việt Nam; cũng là trục lưu thông chính trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng các huyện Tây Nghệ An.