Làng quê Bắc Bộ chắc chẳng xa lạ gì với mỗi độ tháng ba về, hoa gạo lại bung nở khắp các triền sông, con đường. Cây gạo dân dã, đứng vững chãi, chứng kiến bao thay đổi của xã hội, con người, và trở thành nơi chốn thân thương của làng cảnh Việt Nam đã đi vào thơ, vào văn vào nỗi nhớ của bao người con xa xứ.
Tháng ba, người ta thường nhắc nhau qua câu ca dao:
"Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống, bà già cất chăn”
Tức là những ngày xuân, cái rét mướt sắp qua đi, chuẩn bị đón những ánh nắng vàng rực rỡ của mùa hè.
Hoa gạo là loài cánh đơn, một bông thường có 5 cánh lớn, cánh hoa dày, mang màu sắc đỏ tươi. Hoa gạo mỗi độ cuối xuân lại nhuộm rực rỡ những con đường, những bến sông, lại báo hiệu cho sự chuyển mùa.
Từ lâu, hình ảnh đó như ăn sâu vào kí ức của mỗi người. Cây gạo đón tháng ba về trong miên man một màu hoa đỏ. Con đường đi học về nay bỗng như ngàn ngọn đuốc thắp sáng. Góc sân quán nước đầu làng bống nên thơ hơn bởi những bông hoa gạo rắc cánh hoa khắp lối.
Hoa gạo vốn là loài hoa giản dị, nó còn có tên khác là mộc miên, hay hoa pơ -lang. Giản dị như vậy, nhưng hoa gạo cũng có tác dụng chữa bệnh. Dân gian, thường chọn những cánh hoa gạo rụng chưa bị dập nát, còn nguyên vẹn để đem về ngắt từng cánh hoa dùng tươi hoặc phơi dưới nắng nhẹ hay lửa nhỏ để chữa bệnh tiêu viêm,…
Hoa gạo chẳng rực rỡ quanh năm, loài hoa của tháng ba này chỉ nở một lần, những bông hoa đỏ in ngần trên nền trời xanh, mây trắng, cảnh sắc ấy in sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ người Việt. Bao nhiêu nhiếp ảnh gia lại tranh thủ những ngày hoa gạo còn nồng nàn để ghi dấu lại một mùa hoa tháng ba, tháng cuối mùa xuân.