Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 14 Dự án đầu tư trực tiếp (1 dự án FDI) với tổng số vốn khoảng 7.738,2 tỷ đồng và 1 triệu USD. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 142 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,416 triệu USD.
Trong các dự án thu hút có một số dự án tổng số vốn đăng ký lớn như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4 (Nghi Sơn) với vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại Nghi Sơn có vốn đăng ký 1.098,5 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (Bá Thước) có vốn đăng ký 322,1 tỷ đồng…
Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, trong thời gian tới UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành cần triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án: Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025; Đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng thời, thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, cần thực hiện thu hút đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung thu hút đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp. 4 Trung tâm kinh tế động lực: TP. Thanh Hóa – TP. Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Thạch Thành – Bỉm Sơn; Lam Sơn – Sao Vàng. 5 vùng liên huyện gồm: vùng liên huyện trung tâm, vùng đồng bằng trung tâm, vùng liên huyện phía Bắc, vùng liên huyện phía Nam gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn, vùng liên huyện khu vực miền núi. 6 hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hàng lang kinh tế Đông Bắc, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế Quốc tế. Đồng thời tiếp tục công khai 87 Dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 để giới thiệu, vận động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng…
Tỉnh Thanh Hoá luôn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư. Nhờ đó, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.