Chưa phát huy hết thế mạnh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu gồm: Cảng Quốc tế Cam Ranh (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh), Cảng Cam Ranh (phường Cam Linh, Cam Ranh), Cảng Bắc Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), Cảng Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). Các cảng này chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng rời và nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh (thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho biết, Khánh Hòa có 3 vịnh lớn, với các cảng nước sâu tự nhiên, kín gió, là điều kiện lý tưởng để giúp nâng cao giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trong thời gian sắp tới. Định hướng vịnh Vân Phong là trung tâm logistics của tỉnh và khu vực là hợp lý nhưng phải sau năm 2030, bởi hiện nay ở khu vực này chưa phát triển.
Trong khi đó, nếu khai thác tốt Cảng quốc tế Cam Ranh thì sẽ phát huy giá trị, đem lại nguồn thu rất lớn cho tỉnh trong những năm tới. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông ở địa phương chưa đảm bảo, đặc biệt là cầu Long Hồ (Cam Ranh) và cầu Cam Hải (huyện Cam Lâm) đang hạn chế tải trọng dưới 20 tấn.
Ông Trịnh Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh cho biết, Cảng Cam Ranh từ 200.000 tấn hàng hóa qua cảng/năm ở thời điểm mới thành lập, đến nay đã phát triển lên 2 triệu tấn/năm. Sản lượng hàng xuất khẩu chủ yếu là dăm gỗ, khoáng sản; nhập khẩu chủ yếu trang thiết bị điện gió.
Trong những năm qua, công ty đã nỗ lực kết nối, tìm đối tác để phát triển nguồn hàng container nhưng chưa đạt như mong đợi do hàng đông lạnh đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, thời gian yêu cầu phải nhanh. Bất cập hiện nay là luồng hàng hải của cảng đã bị bồi lắng. Công ty đã có kế hoạch nạo vét nhưng phương án đổ thải chưa được thông qua.
Theo ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Khánh Hòa có thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, nhiều sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường có yêu cầu cao, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vận chuyển thông qua các cảng tại TP. Hồ Chí Minh. Đối với các lô hàng lẻ thực hiện ghép container, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kho hàng tại cảng trong TP. Hồ Chí Minh thuận lợi hơn và giảm chi phí logistics…
Sớm thành lập Trung tâm Dịch vụ logistics
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đều định hướng tỉnh tập trung phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics theo hướng đa dạng. Trong Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng Khánh Hòa phát triển trung tâm dịch vụ logistics, nhất là trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Phong và TP. Cam Ranh.
Để thành lập các trung tâm dịch vụ logistics tại Khánh Hòa, Sở Công Thương đề xuất, đối với khu vực dự kiến phát triển hạ tầng cảng, hậu cần cảng Bắc Vân Phong thuộc Quy hoạch phân khu chức năng 3 (Trung tâm đô thị - cảng biển Đầm Môn) đã được phê duyệt, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong triển khai thu hút đầu tư theo đúng quy hoạch. Sau khi Quy hoạch phân khu 19 (Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong) được phê duyệt, các khu vực dự kiến phát triển hậu cần cảng, logistics tại xã Ninh Phước (Ninh Hòa) sẽ rộng khoảng 445ha.
Sở đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép lập đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan thành lập Trung tâm Dịch vụ logistics hạng II phục vụ cho cả vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành có liên quan tiếp tục phát triển các cảng biển theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo cơ sở hạ tầng cảng biển đáp ứng các điều kiện, phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong quý III/2024, sở sẽ phối hợp với Trường Đại học Nha Trang và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực; trong quý IV sẽ tổ chức hội thảo về logistics, đồng thời trình UBND tỉnh kế hoạch phát triển lĩnh vực này. Trên cơ sở của kế hoạch, UBND tỉnh sẽ giao các đơn vị thực hiện xây dựng đề án thành lập Trung tâm Dịch vụ logistics.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Hữu Hoàng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển logistics giai đoạn 2025 - 2035, trong đó phân làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-9. Trước mắt, Sở Công Thương cần có kế hoạch phát triển logistics năm 2024, trong đó phát triển 2 trung tâm dịch vụ logistics tại TP. Cam Ranh và khu vực Nam Vân Phong; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6. UBND tỉnh giao Sở Công Thương và Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh tổ chức tốt hội nghị khách hàng trong tháng 7-2024, có lồng ghép nội dung xây dựng Trung tâm Dịch vụ logistics TP. Cam Ranh.
Sau hội nghị này, 2 sở phải xây dựng báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh, giải pháp nâng cao chỉ số trong năm 2024. Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong và các sở, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư hạ tầng, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, giúp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hút các dự án khu công nghiệp, kết nối với trung tâm dịch vụ logistics để đảm bảo lượng hàng hóa thông qua.Thời gian tới đề nghị thành lập Hiệp hội Logistics tỉnh Khánh Hòa.