Kiên định mục tiêu tăng trưởng

Đình Dũng|17/09/2018 10:14

(VLR) Đây là quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều hành những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cụ thể, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20.7.2018 tăng khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có bước cải thiện. Dòng vốn đầu tư nước ngoài duy trì ổn định và đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ.

Đặc biệt, tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực trong cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ. Đây là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng; hoạt động du lịch sôi động với xu hướng khách nội địa tăng cao và khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại. Xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc tộ tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết. Tăng trưởng ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại; năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng, các vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế chậm khắc phục. Sức ép lạm phát và biến động tỷ giá có xu hướng tăng lên. Diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Cán cân thương mại chưa thật sự bền vững…

Bên cạnh đó, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp đơn cử như sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại; cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung... có thể tác động đến kinh tế Việt Nam, do đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm vững chắc. Phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phối hợp điều hành kịp thời, hài hòa, hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô. Ban Chỉ đạo điều hành giá theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh khi có biến động bất thường. Trong năm 2018, Chính phủ chưa xem xét điều chỉnh giá điện và giá một số dịch vụ công thiết yếu do nhà nước quản lý.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo niềm tin, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu, hàng hóa công nghệ lạc hậu, chất lượng kém vào Việt Nam; khẩn trương phân loại, giải tỏa, thanh tra, chấn chỉnh việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua. Các Bộ ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Trọng tâm công tác quản lý điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm là kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, củng cố niềm tin xã hội, thị trường và doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu gắn với chú trọng phát triển thị trường trong nước. Chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân, nhất là khu vực miền Nam.

Về tình hình ban hành các văn bản cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, Nghị quyết của Chính phủ nhấn mạnh, việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Trong lĩnh vực Công Thương, chú trọng nâng cao năng lực sản xuất. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy hơn nữa công nghiệp chế biến chế tạo; bảo đảm phát triển thị trường bền vững đối với các sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, cần dành sự quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân với chất lượng phục vụ tốt hơn, chất lượng tiêu dùng tốt hơn; Thúc đẩy các hoạt động hội nhập, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại trong phát triển kinh tế.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kiên định mục tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO