Hội nghị thượng đỉnh Ngành nhựa Tuần hoàn ASEAN 2023
Sản xuất nhựa toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, đạt 460 triệu tấn. Lượng rác thải nhựa toàn cầu tăng hơn gấp đôi lên 353 triệu tấn. Lĩnh vực hóa dầu của Thái Lan lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và thứ 16 trên thế giới. Châu Á cũng chịu trách nhiệm cho hơn 80% rò rỉ trên biển và 8 trong số 10 quốc gia đóng góp hàng đầu đến từ khu vực này, với Thái Lan xếp thứ 6.
Để phù hợp với mục tiêu của chính phủ hướng tới một Quốc gia Không rác thải, hơn bao giờ hết, mọi người cần xây dựng kiến thức chuyên môn của tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái này để phát triển ngành tái chế nhựa.
Hội nghị thượng đỉnh Ngành nhựa Tuần hoàn ASEAN 2023 sẽ được vào ngày 29-30/3/2023 tại Bangkok, Thái Lan, để thảo luận thêm về đối thoại liên quan đến phát triển tuân thủ và đổi mới công nghệ nhằm giúp các tổ chức đạt mục tiêu không rác thải nhựa thông qua nền kinh tế tuần hoàn trong khu vực vì một nền kinh tế tương lai bền vững.
Chủ đề của Hội nghị được xác định "Luật pháp là cơ hội thị trường cho ngành đóng gói bao bì nhựa và giải pháp bền vững"
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được giới thiệu tổng quan về các luật hiện hành và sắp tới đối với các sản phẩm Đóng gói Bao bì & Nhựa Bền vững đang được phát triển theo Kế hoạch Hành động Kinh tế Tuần hoàn (CEAP) dành riêng cho các nhà cung cấp, nhà phát triển, nhà sản xuất cũng như nhà đầu tư và ý nghĩa của nó đối với doanh nghiệp trên toàn cầu và thị trường ASEAN, nêu bật các cơ hội thị trường, thách thức và giải pháp bền vững cho toàn bộ chuỗi cung ứng.
Lời giải từ hành lang pháp lý
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam sẽ xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để giảm thiểu lượng rác thải nhựa xả ra môi trường hàng năm, Việt Nam cần những giải pháp bền vững và căn cơ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp vĩ mô trở thành xu hướng của những nền kinh tế phát triển và đang bước đầu được áp dụng tại Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn là khái niệm được David Pearce và Kerry Turner sử dụng lần đầu vào năm 1990, dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác", hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Kinh tế tuần hoàn biến chất thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo Future Planet, kinh tế tuần hoàn là xu hướng của toàn nhân loại bởi những ưu điểm vượt trội. Quan trọng nhất, kinh tế tuần hoàn tạo ra tấm lá chắn ngăn rác thải nhựa đại dương bị xả thẳng ra môi trường. Giải pháp dồn việc tái chế nhựa cho các công ty, làng nghề hiện nay không bền vững và thiếu tính hệ thống, bởi khối lượng rác nhựa mỗi ngày lớn hơn nhiều so với năng lực xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay.
Do đó, chỉ khi các doanh nghiệp sản xuất tự thiết lập mô hình tái chế rác thải nhựa, lượng túi nilon, chai nhựa thải ra môi trường mới được kiểm soát và cắt giảm.
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được áp dụng ở mội số doanh nghiệp. 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Việt Nam đã có những nội dung chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong một số bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, để thực sự tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế tuần hoàn có thể "cất cánh", việc xây dựng riêng một bộ Luật kinh tế tuần hoàn là cần thiết.
Tại Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào tháng 6 vừa qua, những yêu cầu cấp thiết liên quan đến thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được đặt ra.
Các yêu cầu bao gồm: hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kêu gọi sự hưởng ứng và tham gia tích cực của toàn xã hội, từ thay đổi thói quen tiêu dùng, thải bỏ các sản phẩm đã qua sử dụng đến chấp nhận các sản phẩm sản xuất từ vật liệu tái chế, hay các sản phẩm được làm mới sau khi đã qua một chu trình sử dụng.
Xây dựng và thông qua Luật Kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.