TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VIREA) cho biết, vào ngày 18/01/2024 tại Vinpearl Landmark 8, TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Đại hội Liên Chi hội BĐSCN Việt Nam - nhiệm kỳ 2024 – 2029. Với việc chính thức công bố sự thành lập của Liên Chi hội đánh dấu bước phát triển mới, quan trọng trong nhận thức và quyết tâm hỗ trợ phát triển ngành BĐSCN của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khi các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh… ở Việt Nam phải vận động, hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn lại năm 2023, được ví như một năm có nhiều biến động, thách thức với nhiều phân khúc bất động sản, nhưng BĐSCN vẫn được ghi nhận là “điểm sáng” trong cung – cầu, có tỷ lệ lấp đầy cao và giá thuê tăng trưởng tích cực.
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp trong nước khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh cơ sở hạ tầng các KCN đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực và đủ sức vươn tới các thị trường ngoài nước.
Hệ thống các khu kinh tế ven biển đã tận dụng và phát huy được lợi thế về địa kinh tế, như các Khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn... đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư cho thuê kho bãi, sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng,… là những sản phẩm BĐSCN đặc thù.
Các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ. Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng. Bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng quan hệ đối ngoại… đã góp phần tạo dựng hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các khu công nghệ cao đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 17 tỷ USD với sự hiện diện của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới, năm 2022 các dự án này đã tạo ra các sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 27 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 23 tỷ USD.
Đứng trước nhu cầu phát triển chung của đất nước, Liên Chi hội BĐSCN Việt Nam được thành lập trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhằm tạo sân chơi, hệ sinh thái thích hợp cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực BĐSCN trên cả nước để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển kinh doanh, gia tăng lợi nhuận.
VIREA là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm BĐSCN khác trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics và các tổ chức tài chính hỗ trợ liên quan đến BĐSCN... thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển bền vững lĩnh vực BĐSCN, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tôn chỉ hoạt động của VIREA là hợp tác, liên kết, hỗ trợ và cùng nhau phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần xây dựng và phát triển bền vững lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đầu tư, quản lý BĐSCN ở Việt Nam. Bằng kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm điều hành KCN và thu hút đầu tư, VIREA sẽ đóng góp những ý kiến và hoạt động thực tiễn nhất trong ngành công nghiệp Việt Nam.
Với sứ mệnh và vai trò quan trọng đó, Liên Chi hội BĐSCN Việt Nam (VIREA) hy vọng sẽ mở ra một chương mới, đồng hành và đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển của ngành BĐSCN Việt Nam.