Logistics Đà Nẵng và một số vấn đề cần giải quyết

Bảo Hân (tổng hợp) |30/04/2023 08:05

Thành phố cần tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, năng lực của doanh nghiệp, điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng.

khoi-cong-du-an-dau-tu-xay-dung-ben-cang-lien-chieu.png
Mô hình cảng Liên Chiểu - cảng sẽ có khu bến container diện tích 114 ha; khu bến tổng hợp 58 ha, tiếp nhận tàu container, tổng hợp có trọng tải 100.000-200.000 DWT

UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 5778/QĐ-UBND. Theo đó:

- Về hệ thống kho bãi, trung tâm logistics: hiện TP. Đà Nẵng có 02 trung tâm logistics quy mô nhỏ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý. Ngoài ra có hệ thống kho bãi thuộc công ty CP Cảng Đà Nẵng tại Xí nghiệp cảng Tiên Sa, công ty Cổ phần Logistics Cảng Đà Nẵng, Nhà ga hàng hóa hiện hữu tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Phần lớn các kho có trang bị máy móc chuyên dụng và phần mềm quản lý hiện đại, hệ thống camera, hệ thống sàn nâng tự động, thiết bị đóng rút hàng hiện đại.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã hình thành trung tâm logistics cấp tỉnh trong Khu công nghệ cao với diện tích 27,45 ha.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Đà Nẵng, cơ sở hạ tầng logistics của Thành phố chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và cả nước; chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển hàng hóa giữa các địa phương qua địa bàn Thành phố ngày càng lớn.

- Về dịch vụ logistics, hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics như: dịch vụ kho bãi, vận tải nội địa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, lưu kho, bưu chính, chuyển phát, cho thuê kho bãi.

2-copy.jpg
Xí Nghiệp Cảng Tiên Sa- Cảng Đà Nẵng ngày nay với trang thiết bị hạ tầng hiện đại

Về các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất khẩu, hiện phổ biến là giao nhận vận tải quốc tế, đại lý tàu biển, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics có vốn nước ngoài tiêu biểu có DHL Việt Nam, Nippon Express, Expeditors Việt Nam, Maersk Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong nước có thể kể đến như Vinconship Đà Nẵng, Vinatrans Đà Nẵng, công ty cổ phần Transimex, Công ty Cổ phần Logistics Portserco, công ty cổ phần Gemadept.

Tuy nhiên, quy mô vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn còn hạn chế, do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thực hiện các dịch vụ đơn lẻ, giá trị gia tăng ít và một số là nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp xuyên quốc gia.

Nhu cầu dịch vụ logistics chuyên nghiệp và có tính tích hợp cao tại Đà Nẵng được dự báo sẽ gia tăng cùng xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp, trong đó có các tổ hợp công nghiệp hiện đại, KCN và khu công nghệ thông tin,…

Trong năm qua, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo và nộp hồ sơ điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải tiếp cận, sử dụng sàn giao dịch vận tải Vinatrucking tại Đà Nẵng; cải cách hành chính trong cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hoa bằng container, cấp phù hiệu xe container để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đơn giản hóa rút ngắn thời gian giải quyết thục tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ 5 ngày xuống còn 4 ngày làm việc. Rà soát, tích hợp, thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công còn lại từ mức độ 3 lên mức độ 4.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách mới chỉ tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại về phát triển dịch vụ logistics, trung tâm logistics phục vụ hoạt động ngoại thương, chưa có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới.

Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây, có tiềm năng trở thành một phần trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do thuận lợi trong kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương,... Đây chính là lợi thế tạo cơ hội lớn cho Đà Nẵng phát triển thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, cả nước và quốc tế.

Thành phố cần tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, năng lực của doanh nghiệp, điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng sân bay Đà Nẵng, ga hàng hóa đường sắt Kim Liên và mạng lưới giao thông đường bộ kết nối với các trục cao tốc quốc gia; xúc tiến đầu tư tuyến quốc lộ 14D và đoạn nối tiếp qua khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; sớm hình thành Hành lang kinh tế Đông - Tây 2, góp phần tăng thêm nguồn hàng cho cảng Đà Nẵng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực và một số địa phương nằm ngoài biên giới quốc gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Logistics Đà Nẵng và một số vấn đề cần giải quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO