Logistics với xuất nhập khẩu: "Cuộc chiến" trong cạnh tranh toàn cầu.

TS. Lê Văn Hỷ|13/06/2023 10:23

Thư toà soạn

Mặc dù phải đối đầu với những thách thức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái, nhưng Việt Nam vẫn được các tổ chức kinh tế thế giới đánh giá cao về chỉ số tăng trưởng. Trong đó, xuất nhập khẩu của Việt Nam được xem là “điểm sáng” của nền kinh tế quốc gia.

Tại Báo cáo Điểm lại tháng 3/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi. Trước những khó khăn trong nước và ngoài nước, GDP dự báo tăng trưởng 6,3% năm 2023.

ha-the-grand-manhattan-vlr-30052023.png

Cũng theo WB, Nhu cầu trong nước có thể bị ảnh hưởng do lạm phát cao hơn dự kiến (bình quân 4,5%) trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến - chế tạo bị chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam được dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 sẽ tạo ra các tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,5% từ năm 2024 trở đi nhờ xuất khẩu khởi sắc hơn khi cả ba thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc) đều phục hồi.

Tuy nhiên, điểm yếu trong xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay là chi phí dịch vụ còn cao; hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt... Đồng thời, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao; hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầuhoạt động quốc tế.

Để đạt được con số trên, thiết nghĩ các Bộ, ngành cần nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt được thuận lợi. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Quyết định 493/QĐ-TTg), ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030”, đã đề ra mục tiêu “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

Đặc biệt, cần tiếp tục tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí logistics thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% - 15% GDP, cải thiện hiệu quả Chỉ số năng lực logistics (LPI) trên thế giới so với hiện nay đang xếp ở vị trí 53/160 quốc gia.

 6 yếu tố quan trọng của logistics ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu

5-1658997241.jpg

Dịch vụ logistics được ví như “bà đỡ”, có vai trò và ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Một dịch vụ logistics chuyên nghiệp giúp tăng cường hiệu suất và hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu. Dưới đây là 6 yếu tố quan trọng có liên quan mật thiết đến hoạt động xuất nhập khẩu:

1. Vận chuyển: Yếu tố quan trọng nhất của dịch vụ logistics là vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến điểm đích. Sự hiệu quả và đáng tin cậy của dịch vụ vận chuyển ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Thời gian vận chuyển, độ an toàn của phương tiện, chi phí vận chuyển... đều quan trọng.

2. Kho bãi: Dịch vụ logistics cung cấp các giải pháp quản lý kho bãi để lưu trữ và xử lý hàng hóa. Việc có hệ thống quản lý kho hiệu quả giúp đảm bảo tính sẵn có của hàng hóa, giảm thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng xuất nhập khẩu.

3. Hải quan: Quá trình thông quan là một phần quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu. Dịch vụ logistics có thể cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn về thủ tục hải quan, giúp đảm bảo tuân thủ quy định và giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý việc thông quan hàng hóa.

4. Quản lý chuỗi cung ứng: Dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Từ nguồn cung cấp đến khách hàng cuối cùng, việc quản lý thông tin, định vị hàng hóa, theo dõi và điều phối các quá trình cung ứng là rất quan trọng để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt, hiệu quả.

5. Bảo hiểm hàng hóa: Dịch vụ logistics có thể cung cấp tùy chọn bảo hiểm hàng hóa để bảo vệ chủ hàng và nhà xuất khẩu/người nhập khẩu khỏi các rủi ro như mất mát, hư hỏng hoặc tai nạn trong quá trình vận chuyển. Bảo hiểm hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng trong hoạt động xuất nhập.

6. Quản lý thông tin và công nghệ: Các hệ thống quản lý thông tin và công nghệ giúp theo dõi hàng hóa, quản lý vận chuyển, lập kế hoạch và tối ưu hóa hoạt động logistics. Việc sử dụng công nghệ cũng cung cấp khả năng giao tiếp và liên kết tốt hơn giữa các bên liên quan trong quá trình xuất nhập khẩu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Logistics với xuất nhập khẩu: "Cuộc chiến" trong cạnh tranh toàn cầu.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO