Lỏng lẻo chuỗi cung ngành gỗ

Báo Công Thương|10/03/2021 08:29

(VLR) Việt Nam cần một chiến lược phát triển bền vững ngành gỗ, xác định rõ dòng sản phẩm và thị trường chiến lược. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể định dạng chính xác ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ chế biến, thương mại và tiêu thụ các mặt hàng gỗ toàn cầu.

Các chính sách phát triển ngành gỗ vẫn tập trung vào chế biến xuất khẩu, nhưng thực tế đang yêu cầu một chính sách cân bằng hơn, tạo điều kiện cho các chuỗi cùng phát triển

Các chính sách phát triển ngành gỗ vẫn tập trung vào chế biến xuất khẩu, nhưng thực tế đang yêu cầu một chính sách cân bằng hơn, tạo điều kiện cho các chuỗi cùng phát triển

Chuỗi liên kết yếu

Thanh Hòa - một công ty có trụ sở ở TP. HCM đang cung cấp gỗ nguyên liệu cho gần 70 nhà chế biến, là nhân chứng về sự đổ vỡ liên kết trong chuỗi chế biến gỗ. Sau gần 10 năm bám trụ 3 dự án liên kết doanh nghiệp và người trồng rừng tại Thừa Thiên-Huế, ông Trần Thiên - Giám đốc Công ty Thanh Hòa - đã buộc phải từ bỏ kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững, bởi khoản lỗ đã lên tới gần 5 tỉ đồng và tồn kho hơn 3.000m3 phôi liệu.

Theo ông Trần Thiên, Việt Nam đang sở hữu một liên kết yếu và không chủ động về phôi gỗ và nguyên liệu. Các công đoạn trong chuỗi, từ trồng rừng, sơ chế, chế biến và bán hàng đã không được phân định một cách rõ ràng. Đến nay, ngành gỗ Việt Nam, với 95% doanh nghiệp là tư nhân, vẫn hoàn toàn tự bơi và thiếu những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Thời điểm này có một vài mô hình liên kết giữa làng nghề và doanh nghiệp gỗ được triển khai, khi họ nhận thấy liên kết là yếu tố “sống - còn” để trụ lại được sau dịch bệnh COVID-19, trước khi tính đến bài toán phát triển bền vững.Về nguyên tắc, việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa người trồng rừng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, hoặc các chủ rừng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, có một thực trạng “nhức nhối” là việc thực thi cam kết hợp đồng là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ. Ông Thiên cho hay, quyền thuộc về người mua và ông chủ các công ty chế biến gỗ lớn không bao giờ chịu từ bỏ lợi ích của mình để bình đẳng với nhà sơ chế hay 1,1 triệu hộ trồng rừng.

Nhằm từng bước tạo ra các mối liên kết, giữa các hộ sản xuất trong Liên Hà và giữa làng nghề với các doanh nghiệp gỗ ở phía Nam, để quảng bá sản phẩm và bán hàng. Cuối năm 2020, ông Nguyễn Trọng Hiếu và 7 hộ sản xuất khác, đại diện cho làng nghề Liên Hà, thuộc huyện Đan Phượng của Hà Nội, đưa những sản phẩm có thế mạnh, chủ yếu là giường và tủ, vào bày bán ở chợ đầu mối Gỗ Tây, TABICO - Hố Nai thuộc tỉnh Đồng Nai.

Khi thị trường phía Nam còn lạ lẫm với sản phẩm làng nghề truyền thống đến từ phía Bắc, chắc chắn Liên Hà chưa thể bán được ngay sản phẩm của mình. Những lợi thế về tay nghề hay sử dụng nguyên liệu hợp pháp, cũng chưa thể bù đắp được chi phí vận chuyển từ Hà Nội vào Đồng Nai. Tuy nhiên, sự xuất hiện của làng nghề Liên Hà của Hà Nội tại chợ gỗ Tây thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp gỗ, góp phần tạo ra nhận thức mới cho các làng nghề truyền thống về việc sử dụng gỗ hợp pháp. Quá trình liên kết có thể giúp làng nghề xây dựng được thương hiệu và giá trị thông qua các hoạt động nắm bắt xu hướng thị trường, tầm quan trọng của mẫu mã thiết kế, mức chi tiêu của người tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, các mô hình liên kết này còn rất mới, tập trung vào một vài nhà cung ứng nguyên liệu gỗ, không phải các nhà chế biến xuất khẩu, lĩnh vực đang hưởng phần lợi lớn nhất trong toàn chuỗi giá trị.

Các chính sách mới tập trung chủ yếu cho xuất khẩu

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019, trong đó riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,8 tỷ USD. Nhưng để đạt được con số này, các doanh nghiệp đã phải chi khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019, cho nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Sự mất cân đối giữa các vùng miền ngày càng sâu sắc của ngành cỗ cũng đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập nhiều lần. Các tỉnh Bắc Trung bộ, Trung bộ đang thiếu các nhà máy, khu công nghiệp ngành gỗ, trong khi các doanh nghiệp chế biến tập trung chủ yếu ở miền Nam và tỉnh miền Đông. Việc này dẫn đến thu mua nguyên liệu của nông dân thấp, không đẩy nhanh được việc trồng rừng - giải pháp căn bản giúp xuất khẩu gỗ của Việt Nam phát triển bền vững.

COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu năm 2021, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của thị trường nội địa trong vai trò là một bệ đỡ cho ngành gỗ. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cũng có kế hoạch đưa sản phẩm vào thị trường nội địa nhưng gặp nhiều khó khăn do không tìm được kênh phân phối phù hợp, không thể mở cửa hàng bán lẻ vì chi phí mặt bằng cao, dẫn đến đội giá sản phẩm, làm mất ưu thế cạnh tranh giá. Thêm nữa, lượng đặt hàng từ nhà bán lẻ nội địa còn ít, không thể đưa vào sản xuất hàng loạt.

Các chính sách phát triển ngành gỗ vẫn tập trung vào chế biến xuất khẩu, nhưng thực tế đang yêu cầu một chính sách cân bằng hơn, tạo điều kiện cho các chuỗi cùng phát triển. Theo ông Võ Quang Hà - Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO), ngành gỗ nên được chia làm 4 chuỗi: gỗ tây cho người tây, gỗ ta cho người tây, gỗ tây cho người ta và gỗ ta cho người ta. Nếu chính sách tiếp tục chú trọng xuất khẩu thì mới chỉ lo được 25% mục tiêu phát triển. Nhưng nếu Nhà nước đưa ra những chính sách phù hợp với đặc thù của từng chuỗi sẽ giúp toàn ngành tăng trưởng bền vững hơn.

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends - cho rằng, thời điểm này là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam xây dựng các chuỗi liên kết mới, trong đó, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia vào khâu cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của các hộ gia đình, được sơ chế thông qua các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu rừng trồng.

Chính phủ Việt Nam cũng có thể áp dụng chính sách mua sắm công đối với các sản phẩm gỗ được sản xuất trong nước, đưa ra các quy định đấu thầu hợp pháp để khuyến khích doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường.

Việc khuyến khích này sẽ giúp hình thành liên kết và chuỗi cung nội địa giữa doanh nghiệp, các cơ sở chế biến và các hộ trồng rừng nhằm phục vụ phân khúc thị trường mua sắm công, một phân khúc không hề nhỏ trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực trên thế giới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Lỏng lẻo chuỗi cung ngành gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO