Trong khi đội tàu biển VN vẫn đang vận hành trong khó khăn và môi trường khắc nghiệt, lại gần như chẳng nhận được sự hỗ trợ nào từ Chính phủ trong nâng cấp đội tàu biển, thì nhiều nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philipines, hay Malaysia,… đã có những chính sách hợp lý và có hiệu quả đối với đội tàu của mình.
NHỮNG BÀI HỌC VỀ NÂNG CAO THỊ PHẦN ĐỘI TÀU BIỂN
Nếu như ở VN thị phần vận tải biển bị các DN nước ngoài chiếm ưu thế, thì với thực trạng đó, nhiều nước ở Đông Nam Á cùng thực trạng, nhưng đã có những chính sách hợp lý và dần giành lại ưu thế của mình. Tiêu biểu đó là trường hợp của Thái Lan. Nước này đã có những chính sách về tài chính, thuế phí, như: miễn thuế doanh nghiệp cho các tuyến vận tải biển; xem xét việc giảm thuế giá trị gia tăng cho những nhà xuất khẩu vận chuyển hàng bằng đường biển mà sử dụng tàu trong nước; miễn thuế thu nhập nhân viên ngành vận tải biển và cổ đông của các công ty vận tải biển sỡ hữu tàu treo cờ Thái Lan có thể được miễn hoặc giảm thuế thu nhập khi tính vào cổ tức của công ty; rồi giảm thuế bán tàu cũ mua tàu mới thay thế; cho phép ngành vận tải biển lập các kho hàng trên bộ.
Về đầu tư ngành vận tải biển, Chính phủ cũng hỗ trợ tìm các nguồn cho vay, tài trợ vốn với lãi suất thấp để tăng hiệu quả đầu tư cho ngành, khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ vốn cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có vốn đầu tư nâng cấp đội tàu. Về nhân lực, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch kết hợp ngành hàng hải quân trong việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chính phủ cũng đẩy mạnh công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu biển, giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài,… Các biện pháp này đã góp phần giảm sự lệ thuộc vào nước ngoài.
Ngay như Philipines rất chú trọng tăng cường quản lý và khuyến khích các hãng tàu thuê trần và đăng ký treo cờ Philipines, đặc biệt là quyền dành hàng hóa cho đội tàu Philipines luôn được ưu tiên. Chính phủ quy định những hàng hóa ngoại thương do Chính phủ kiểm soát phải được chuyên chở bằng tàu mang cờ Philipines. Và hiệu quả của chính sách này là đã làm tăng nhanh tỷ lệ vận chuyển hàng hóa quốc gia bằng tàu mang cờ Philipines từ 7,8% lên 15% trong vòng 6 năm. Để phát triển đội tàu, Chính phủ Philipines đã thông qua đạo luật hàng hải cho vy lãi suất thấp hoặc Chính phủ tài trợ để mua tàu. Ngoài ra, Chính phủ còn xây dựng chương trình hiện đại hóa vận tải biển trong nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia vận tải biển trong nước và các lĩnh vực liên quan đến vận tải biển.
Malaysia có chính sách khuyến khích là miễn giảm về thuế. Các doanh nghiệp khi mua tàu sẽ được Nhà nước giảm thuế lợi tức và miễn 50% doanh thu chịu thuế. Chính phủ này còn thành lập tổ chức hàng hải quốc tế có nhiệm vụ kêu gọi đầu tư về vốn từ các hãng tàu trong nước. Đất nước này còn có Viện Nghiên cứu Hàng hải Malaysia với vai trò là hỗ trợ các hoạt động Chính phủ trong lĩnh vực hàng hải…
CẦN NHANH CHÓNG CÓ NHỮNG CHÍNH SÁCH HỢP LÝ
Đối với cơ chế chính sách của VN, cho đến hiện nay, về cơ chế chính sách để phát triển đội tàu biển VN có Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15.10.2009 về Quy hoạch phát triển vận tải biển VN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng trên thực tế các mục tiêu đặt ra lại chưa thực hiện được. Cũng theo Nghị định số 29/2009/NĐ-CP ngày 26.3.2009 của Chính phủ về đăn ký và mua, bán tàu biển quy định: dự án mua, bán và đóng mới tàu biển phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển và đội tàu quốc gia, nhưng trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vận tải biển đầu tư tàu biển lại mang tính tự phát, ồ ạt không theo quy hoạch dẫn đến việc đầu tư tàu không hợp lý và khai thác không có hiệu quả.
Về đào tạo nguồn nhân lực có Đề án “Triển khai thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn hấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca của thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010” (Công ước STCW 78/2010 vừa được Chính phủ phê duyệt). Đề án nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và toàn diện các quy định của Công ước STCW 78/2010 mà VN là thành viên. Đồng thời xây dựng hệ thống đồng bộ các cơ sở đào tạo và huấn luyện thuyền viên ấp ứng quy chuẩn định của Công ước STCW. Tuy nhiên, các cơ chế chính sách của Nhà nước hiện nay chưa hiệu quả so với những mục tiêu đặt ra. Trong khi tình hình vận tải biển trong nước hết sức khó khăn, các doanh nghiệp vận tải biển gần như không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Chính phủ và Nhà nước về vấn đề giảm thuế, phí, cũng như các chính sách nâng cấp đội tàu biển. Việc tổ chức nội luật hóa các quy định của Công ước còn chậm và việc triển khai, tuyên truyền đến các chủ tàu, thuyền viên chưa hiệu quả. Công tác đào tạo nguồn nhân lực VN còn yếu kém và bất cập, thiếu kỹ năng về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ khi ra trường,…
Như vậy, để tạo thế cho ngành vận tải biển và đội tàu Việt, rõ ràng là Nhà nước cần có chính sách rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản phù hợp với cam kết WTO và các điều ước mà VN tham gia có liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải biển. Cần có biện pháp khuyến khích nước ngoài đầu tư vốn liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, và đẩy nhanh tái cơ cấu một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả; cũng như xây dựng các chính sách quy định về thuế cho đội tàu Việt một cách hợp lý, đặc biệt là có những bảo hộ nhất định đối với đội tàu biển quốc gia và đổi mới về đào tạo nguồn nhân lực.