Dần được chú trọng trong quản lý
Ngành dệt may của Việt Nam nằm trong nhóm có giá trị xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2017 sản phẩm XNK hàng dệt may đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm trước. Trong đó, chi phí cho hoạt động logistics chiếm 9,1% ước tính khoảng 2,7 tỷ USD, cao hơn các nước trong khu vực có cùng ngành nghề. Với mức chi phí cho logistics cao đã làm giảm giá trị cạnh tranh ngành dệt may của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Trong khuôn khổ triển lãm SaigonTex 2018 về ngành dệt may vào giữa tháng 4 vừa qua. tại TP.HCM, các doanh nghiệp (DN) lo ngại rằng một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn tới sức cạnh tranh của ngành dệt may chính là chi phí logistics. Có thể thấy logistics đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí cho DN. Hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng lên rất nhiều. Ngoài việc, mở rộng quy mô sản xuất bằng các công nghệ tiên tiến, các DN dệt may, bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng dịch vụ logistics trọn gói như các “đại gia lớn” khác. Với sự phát triển nhanh của công nghệ trong sản xuất, sự đòi hỏi đáp ứng nhanh của thị trường, cùng với sự cạnh tranh ngày một gay gắt, DN nào làm chủ được công nghệ chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Do đó, việc các DN chủ động trong quản lý cung ứng nguồn nguyên liệu, kiểm soát được thời gian giao nhận hàng thì sẽ làm chủ được thị trường và tăng sức cạnh tranh cho DN.
Hiện nay, theo đà phát triển của ngành, Hiệp hội dệt may Việt Nam dự đoán đến năm 2025 kim ngạch XNK của ngành lên đến khoảng 100 tỷ USD. Như vậy, ngoài việc các DN cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng các cơ chế quản lý mở rộng kinh doanh, thì việc quản lý chi phí logistics vận chuyển cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Thay vì sử dụng nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhỏ lẻ, các DN nên thay đổi bằng nhà cung cấp dịch vụ lớn, giao nhận trọn gói cũng làm giảm chi phí cho các DN.
Giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh
Hiện nay, ngoài những nỗ lực tự thân của các DN thay đổi theo xu hướng cải tiến công nghệ cùng với phương thức sản xuất, việc làm thế nào để giảm chi phí logistics cũng đang được các DN quan tâm và cải thiện. Ở những tập đoàn lớn công nghệ 4.0 đã và đang được đưa vào sử dụng và đem lại hiệu quả tích cực, hướng sản xuất đến những phân khúc sản phẩm giá trị cao như ODM (tự thiết kế, tự chủ nguyên phụ liệu, sản xuất, vận chuyển), OBM (tự thiết kế và bán sản phẩm bằng thương hiệu riêng). Ngoài ra, các DN cũng đã lựa chọn nhà cung cấp tích hợp từ đầu vào nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu. Việc này đã góp phần tăng sức cạnh tranh của DN Việt đối với các đối thủ trong khu vực.
Năm 2018 được dự đoán sẽ là năm khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp và chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ đã tạo động lực lớn để ngành dệt may phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, sức cạnh tranh sẽ tăng cao hơn nữa nếu chi phí logistics được giảm xuống. Điều đó phụ thuộc vào hệ thống quản lý của từng DN.