Logistics ngày nay có vai trò quan trọng rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói quá trình này được bắt đầu từ khi tập kết chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho đến khi sản phẩm ra khỏi dây chuyền... phân phối đến tay người tiêu dùng. Logistics còn hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua quản lý di chuyển và lưu trữ nguyên vật liệu đi vào doanh nghiệp và bán thành phẩm di chuyển trong doanh nghiệp.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics của nước ta so với các quốc gia trên thế giới, chúng ta cần chú trọng nhiều khía cạnh từ việc chủ động áp dụng công nghệ số, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều chính sách thích hợp và ưu đãi... Trong đó phải kể đến việc nâng cao nhận thức, đào tạo phát triển chất lượng nguồn nhân lực.
Nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ.
Chúng ta có những ưu thế về việc xây dựng và phát triển các cảng biển, có điều kiện để hình thành các trung tâm trung chuyển và vận chuyển hàng hóa quốc tế. Nhiều cảng biển của Việt Nam hiện có thể đón được các tàu hàng lớn thế hệ mới có trọng tải trên 100.000 tấn vào ra làm hàng.
Vấn đề nhân lực ở nước ta hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành logistics trước những đòi hỏi và xu thế mới như: Kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, việc sử dụng thành thạo các phần mềm logistics, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, kho hàng...
Các công ty vận tải, kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay thường xuyên phải đối mặt với việc thiếu hụt nhân lực có trình chuyên môn. Các nhà quản lý thường tự đào tạo lại nhân lực cho doanh nghiệp mình, nhưng điều này cũng gặp phải khó khăn là nhân sự phần đông thiếu kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh. Bên cạnh đó, nhân sự trong ngành logistics cũng đòi hỏi khả năng ngoại ngữ tốt, đặc biệt là những từ ngữ chuyên ngành để có thể soạn thảo, đọc hợp đồng với nhiều điều khoản nhằm hạn chế để xảy ra sự tranh chấp. Khả năng ứng dụng công nghệ để có thể thích ứng với các phần mềm chuyên dụng, thường xuyên cập nhập đổi mới của ngành theo tiến bộ của thế giới
Tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018 - 2025, tỷ trọng nhu cầu nhân lực các nhóm ngành kinh tế chiếm 30% nhu cầu nhân lực, khoảng 100.000 chỗ làm việc, trong đó chuyên ngành Logistics cần khoảng 18.000 – 20.000 người/năm (bao gồm trình độ đại học chiếm tỷ trọng 25%, cao đẳng 30%, trung cấp 25% và sơ cấp nghề 20%).
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Giải pháp nâng cao nhân lực ngành
Tốc độ phát triển ngành logistics Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô 40 – 42 tỷ USD/ năm. Trong đó Việt Nam cũng đang chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ và cả những thay đổi về chính sách để phát triển ngành dịch vụ này.
Trước hết là việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp kinh doanh phát triển ngành dịch vụ logistics. Việc xây dựng cơ sở vật chất để đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên.
Về chương trình đào tạo cũng cần được đổi mới, cập nhật chương trình tích hợp, đặc biệt bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội, sinh viên – người học cần nhận thức được cụ thể, rõ ràng về các vấn đề quản trị chuỗi cung ứng xanh, chuyển đổi số...
Đặc biệt cần chú trọng xây dựng bộ chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp. Chú trọng việc đào tạo nhân lực đủ kiến thức, năng lực và thái độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong điều kiện mới.
Hợp tác quốc tế về đào tạo và xây dựng chương trình giảng dạy, tham khảo giáo trình, đào tạo của nước ngoài về logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Điều thuận lợi ở nước ta hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đầu tư hoạt động trong lĩnh vực logistics rất sôi động. Đây là cơ hội giúp cho việc trao đổi, tương tác và học tập những tiến bộ của ngành logistics quốc tế. Tuy vậy, nhìn từ góc độ khác thì đây cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt khi chúng ta phải nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hoạt động, đồng thời là tạo được sự liên kết, đồng nhất và hiệu quả giữa các đơn vị để có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Để ngành dịch vụ logistics của Việt Nam thực sự phát triển, có những đóng góp tương xứng cho nền kinh tế quốc gia, thiết nghĩ cần có những liên kết tích cực, chặt chẽ từ Chính phủ, chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp – doanh nghiệp dịch vụ logistics và các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo. Trong đó Chính phủ giữ vai trò đầu tàu, tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động phát triển ngành logistics Việt Nam.