Năm 2016, ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ các nước NK cũng như các sản phẩm thép giá rẻ NK mạnh vào Việt Nam. Thực tế cho thấy, tự vệ là điều các DN ngành thép phải chủ động trong điều kiện tự do hóa thương mại, nhưng tự vệ như thế nào để hài hòa lợi ích giữa các DN là điều cần phải tính toán và cân nhắc.
PVTM - không nên né tránh
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Việc áp dụng các biện pháp PVTM là đúng, không nên né tránh, bởi các nước đã kiện Việt Nam ở rất nhiều mặt hàng thép. Nhưng tranh tụng thương mại sẽ gây mâu thuẫn lợi ích giữa các nhà sản xuất trong Hiệp hội. Hiệp hội tôn trọng ý kiến của các DN và sẽ báo cáo cơ quan Nhà nước các ý kiến khác nhau để cơ quan Nhà nước xem xét”. |
Tổng kết của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, năm 2015 là năm ngành thép chứng kiến sự tăng trưởng về mọi mặt, từ sản xuất, tiêu thụ cũng như lượng NK. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, với việc sản xuất các sản phẩm thép đạt gần 15 triệu tấn trong năm 2015 thì năm qua sản xuất thép có mức tăng trưởng 21,5% so với năm 2014. Lĩnh vực tiêu thụ tăng trưởng ấn tượng hơn, ở mức 26% so với năm 2014 khi cả nước đã tiêu thụ hết gần 17,9 triệu tấn (gồm cả thép NK). Có sự ấm nóng này một phần do thị trường bất động sản phục hồi đã tác động lớn tới tăng trưởng của ngành thép.
Tuy nhiên, nhìn chung ngành thép đã trải qua một năm 2015 với nhiều cam go khi vừa phải vật lộn với các vụ kiện PVTM từ các thị trường XK, đồng thời phải chứng kiến sự đổ bộ của một khối lượng lớn thép NK vào Việt Nam. Với 12 vụ kiện PVTM trong năm 2015, các DN ngành thép đã phải “điêu đứng” để theo kiện, dù giá trị XK so với NK còn quá khiêm tốn với khoảng 2 tỷ USD/9 tỷ USD ở chiều NK. Về lượng, Việt Nam cũng chỉ XK hơn 2,8 triệu tấn thép các loại/hơn 13 triệu tấn thép NK, ở mức tăng nhẹ so với 2014.
Bước sang năm 2016, cùng với việc thị trường XK rộng mở, ngành thép Việt Nam có thêm cơ hội để XK sản phẩm sang các nước và đó là lý do để ngành thép mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng năm tới khoảng 15%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công Thương, một mối đe dọa nhãn tiền là khi chúng ta đẩy mạnh XK thì những nước NK nhận thấy nguy cơ hàng hóa NK từ Việt Nam đe dọa ngành sản xuất của nước họ, họ cũng sẽ đẩy mạnh các biện pháp PVTM và khi đó, nguy cơ rất lớn là hàng hóa của chúng ta sẽ không được XK sang các nước này. Ngay cả với thị trường các nước Asean, lấy dẫn chứng việc các nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia.. đã nhiều lần kiện PVTM Việt Nam, ông Nam đánh giá tuy đã hình thành Cộng đồng Kinh tế AEC nhưng đây là 1 cộng đồng kinh tế khá “lỏng lẻo” và “mờ”, không hình thành được các cơ chế, các hiệp định khung, đặc biệt vấn đề hình thành các cam kết dùng các biện pháp PVTM với nhau. Cảnh báo về sự suy thoái kinh tế của nước láng giềng Trung Quốc với tồn kho thép rất lớn, lại rất gần Việt Nam, trong khi Việt Nam đang yếu và lỏng lẻo trong áp dụng luật lệ PVTM, ông Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh, năm 2016 có thể là một năm rất khó khăn, nếu không cẩn thận chúng ta “có thể sẽ chết trên sân nhà và XK cũng chết”.
Trước nguy cơ của các biện pháp PVTM từ nước ngoài, ông Nam cho biết “chúng ta có luật, lực lượng của chúng ta chưa phải đủ mạnh và giàu kinh nghiệm nhưng có khả năng để đấu tranh”, đồng thời khuyến nghị các DN XK ngành thép khi bị cơ quan nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM, phải có tinh thần hợp tác cao, kiên trì, không được tránh né. Nếu tránh né, cơ quan phụ trách PVTM sẽ được quyền áp dụng ngay vì chúng ta bất hợp tác. Cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để sẵn sàng đương đầu với cơ quan điều tra, chuẩn hóa các số liệu, không chỉ phục vụ cho các cơ quan điều tra nước ngoài mà còn để phục vụ tốt cho việc chính chúng ta đề nghị Cục QLCT áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất của ngành mình.
Những lo ngại từ PVTM
Gợi ý của đại diện Cục QLCT về việc DN thép chủ động kiện PVTM không phải không có cơ sở, đặc biệt với ngành thép, bởi năm 2015 là năm ngành này lao đao vì thép NK giá rẻ “hoành hành” làm đau đầu không ít DN. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đáng chú ý trong hơn 13 triệu tấn thép NK năm 2015 có những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, chưa kể có một số biểu hiện gian lận thương mại. Cụ thể, đã NK 1,7 triệu tấn phôi, tăng 200%, trong khi đó sản xuất trong nước công suất 12 triệu tấn năm, hiện nay sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Thép cuộn NK 1,6 triệu tấn, trong khi trong nước sản xuất 1,1 triệu tấn. Mặt hàng tôn mạ NK tăng 87%...
Trên thực tế, cuối năm 2015, cho rằng sự gia tăng đột biến và bất thường về NK phôi thép và thép dài gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép, 4 DN lớn của ngành này đã đệ đơn tới Cục QLCT đề nghị áp dụng tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc NK vào Việt Nam. Mức thuế tự vệ mà các DN này đề nghị áp dụng tạm thời với phôi thép là 45% và 33% đối với sản phẩm thép dài. Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam chủ động kiện PVTM, vì thế vụ kiện này nhận được sự ủng hộ của dư luận. Tuy nhiên, kiện PVTM cũng như “con dao hai lưỡi”, bởi quyền lợi của các DN là không thống nhất.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội Thép Việt nam, đại diện Công ty Thép Việt Úc cho biết đồng tình với PVTM nếu các nhà máy sản xuất phôi thép lâm vào nguy cơ (dư thừa sản phẩm) nhưng hiện nay sản phẩm không đủ đáp ứng, nhiều DN cho biết họ vẫn làm ăn có lãi, nên không có lý do gì nguyên liệu rẻ mà lại bắt DN phải NK với giá cao, trong khi mua phôi thép trong nước khó khăn. Ý kiến của Thép Việt Úc nhận được sự đồng tình từ Công ty Thép Pomina. Đại diện Thép Việt Úc nêu dẫn chứng, 5 năm qua DN chỉ mua được của Hòa Phát chưa đến 50 ngàn tấn, của Công ty liên doanh khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung - VTM (Lào Cai) được 100 ngàn tấn phôi thép. Gần đây nhất liên tục Thép Việt Úc hỏi mua, nhưng VTM không có hàng. Chưa kể, “vừa rục rịch thông tin PVTM, trên thị trường giá phôi thép đã tăng từ 6,5 triệu đồng/tấn lên 7,2 triệu đồng/tấn”, DN của ông cũng buộc phải nâng giá lên, như vậy người tiêu dùng khổ, trong khi trước đó họ đang được mua với giá bình đẳng.
Theo các DN, những biện pháp PVTM là cần thiết và chính đáng, nhưng nên áp dụng vào lúc nào và như thế nào thì Hiệp hội Thép và các DN nên bàn bạc để có sự thống nhất, vì quyền lợi của DN này lại ảnh hưởng đến lợi ích của DN khác. Về lâu dài DN cần phải giảm chi phí, nâng cao năng lực, bởi PVTM chỉ giới hạn trong khoảng thời gian nhất định.