Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An và Hà Tĩnh đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội, tình hình thu hút đầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đi sâu phân tích các tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh như: đất đai, hạ tầng giao thông, hạ tầng đáp ứng chiến lược phát triển lâu dài, thuế, nguồn lao động, công tác cải cách hành chính...
Trong những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều đổi mới và đạt được kết quả tích cực trên cả 5 phương diện: Số lượng dự án FDI tăng mạnh; vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp và địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp, là động lực tăng trưởng của tỉnh.
Từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh thu hút được 336 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 102.278 tỷ đồng. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, đã có 104 dự án được cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh là 45.989,5 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn FDI gần 1,3 tỷ USD, đưa Nghệ An lần đầu tiên lọt top 6 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Các dự án thu hút đầu tư đã có những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo động lực phát triển, dịch chuyển cơ cấu các ngành kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã thu hút được 131 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 3,86 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2019-2023 là giai đoạn bứt phá với 3,25 tỷ USD, gấp 5 lần vốn đầu tư FDI của 20 năm trước đó. Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã liên tiếp thu hút thành công được nhiều doanh nghiệp và Tập đoàn đa quốc gia trên thế giới thuộc chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh đến đầu tư và tiếp tục mở rộng đầu tư như: Tập đoàn Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny…
Có được “quả ngọt” nêu trên là nhờ trong những năm gần đây, Nghệ An đã thành lập các tổ công tác để đôn đốc, giải quyết các vướng mắc của các dự án đầu tư; giao các sở, ngành khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, các vấn đề đã được doanh nghiệp phản ánh kiến nghị. Các sở, ngành, địa phương chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý tổ chức các buổi giao ban các hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kiến nghị của các doanh nghiệp được tổng hợp, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết và báo cáo UBND tỉnh tại các hội nghị giao ban… Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư…
Nghệ An, Hà Tĩnh cũng thông tin về các cụm, khu công nghiệp đang được triển khai trên địa bàn. Đây là các địa chỉ tin cậy, hấp dẫn để thu hút các dự án vào đầu tư. Nghệ An,Hà Tĩnh sẽ luôn chào đón và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư vào tìm hiểu, đầu tư các dự án vào địa bàn.
Tại buổi làm việc, các đại diện xúc tiến đầu tư Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi những tiềm năng trong thu hút đầu tư với các quốc gia. Bên cạnh đó, các đại diện xúc tiến đầu tư Việt Nam ở nước ngoài đề nghị Nghệ An và Hà Tĩnh thu hút thêm các nhà máy phụ trợ để kéo các “đại bàng” vào đầu tư tại địa phương; quan tâm phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; tiếp tục thu hút các nhà đầu tư hạ tầng; xây dựng các thiết chế hạ tầng xã hội để phục vụ các nhà đầu tư…