Trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục Nghệ An đã chủ động, quyết liệt phối hợp và tham mưu hiệu quả các Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030: Tham mưu HĐND tỉnh thông qua 3 Nghị quyết; UBND tỉnh đã ban hành 7 đề án, kế hoạch cho giai đoạn đến năm 2030 và các văn bản triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023; phối hợp tham mưu tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT từ cơ sở đến cấp tỉnh đảm bảo chất lượng và đúng kế hoạch.
Cùng với đó, ngành đã tích cực chủ trì phối hợp, tham mưu tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đảm bảo nghiêm túc, an toàn, chất lượng; triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành chương trình, tổ chức sơ kết, tổng kết năm học 2022-2023 đồng bộ, khoa học và đúng kế hoạch; hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, kết thúc năm 2022, toàn tỉnh có 1.101 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75,86%. Trong 7 tháng đầu năm 2023 (đến ngày 28/7), toàn tỉnh đã đề nghị công nhận được 150 trường, trong đó công nhận mới 20 trường và công nhận lại 130 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được giữ vững và có bước tiến bộ vững chắc. Kết quả tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế luôn đứng tốp đầu cả nước. Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 3 học sinh đạt Huy chương Vàng, 1 học sinh đạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế; 9 em đạt Huy chương Bạc và 1 em đạt giải Khuyến khích Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế TIMO năm 2023. Tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Nghệ An có 87 em đạt giải; trong đó, có 7 giải Nhất, 32 giải Nhì, 30 giải Ba và 18 giải khuyến Khích, xếp vị trí thứ 2 cả nước, sau thành phố Hà Nội).
Ngành Giáo dục Nghệ An cũng triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục của từng cấp học. Năm học qua, ngành tiếp tục triển khai và xây dựng mới các mô hình trường học, giáo dục đi đầu trong khu vực và cả nước; tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ về đào tạo, đào tạo lại, kết hợp bồi dưỡng, tập huấn phù hợp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu “Phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học”.
Chuyển đổi số được ngành triển khai mạnh mẽ đảm bảo mục tiêu kép vừa thay đổi hình thức hoạt động quản lý, quản trị và dạy học; vừa đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao hình thành chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngành cũng đã tập trung đầu tư bổ sung cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã, nguồn tài trợ, nguồn kinh phí của nhà trường và từ các nguồn huy động hợp pháp khác.
Song song với hoạt động dạy và học, hoạt động an sinh xã hội cũng đã được ngành giáo dục Nghệ An quan tâm thực hiện, trong đó tích cực hưởng ứng, triển khai Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với việc hoàn thành 31 nhà có tổng kinh phí 1,67 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những hạn chế, tồn tại; đề xuất các giải pháp khắc phục trong năm mới; đồng thời thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2023-2024. Theo ý kiến của các đại biểu, trong năm học qua tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường vẫn còn thấp; còn nhiều điểm trường lẻ ở Tiểu học nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy học Chương trình GDPT 2018. Còn có bất cập trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra các hoạt động đối với các nhóm trẻ độc lập trên địa bàn phường, xã; trong quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa và chất lượng các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống.
Công tác phòng, chống đuối nước, bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong tổ chức thực hiện, tuy nhiên vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, đuối nước xảy ra... Hoạt động liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo chưa chặt chẽ, thiếu bền vững...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long ghi nhận, biểu dương và đề nghị ngành giáo dục tỉnh phát huy 9 kết quả nổi bật về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; 5 kết quả về GDNN và 6 kết quả của giáo dục đại học đạt được trong năm học 2022-2023; đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản đã được nêu rõ trong báo cáo.
Về nhiệm vụ trong năm học mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị ngành giáo dục thực hiện đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá và chủ yếu đã xác định 9 nhiệm vụ về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; 5 nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp và 5 nhiệm vụ về giáo dục đại học).
Về nhiệm vụ trước mắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác tuyển sinh và các điều kiện phục vụ cho năm học mới; tổ chức tựu trường và Khai giảng năm học mới phù hợp với thực tế của địa phương, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đồng thời, phối hợp và chỉ đạo các hình thức tuyên truyền, tôn vinh và tổ chức Lễ tuyên dương, vinh danh các em học sinh đạt giải Quốc tế, Quốc gia và học sinh đậu điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt cho năm học mới 2023-2024; nhất là quan tâm đối với các đơn vị khó khăn, các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cũng đề nghị lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; lãnh đạo UBND các cấp và đề nghị cấp uỷ Đảng, các tổ chức đoàn thể cần quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.