(Vietnam Logistics Review) Bạn đang làm thuê với mức lương “khủng” hay bạn là một Startup Logistics? Tại sao bạn không khởi nghiệp ngành nghề khác mà lại chọn logistics? Với lợi thế và tiềm năng của ngành logistics Việt Nam, nếu như có Quỹ đầu tư Startup Logistics, chắc chắn, bài toán thiếu nhân lực logistics không còn là vấn đề quá khó khăn như hiện nay.
Nhân lực logistics có mức lương cao
Sự khan hiếm của nhân lực ngành logistics đang là cơ hội tốt cho các bạn sinh viên sắp ra trường. Từ nay đến năm 2025, ngành logistics (giao nhận vận tải) ở Việt Nam cần thêm gần 300.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn.
Logistics là ngành có mức lương khá cao hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên logistics có mức lương khởi điểm từ 6 – 7 triệu/tháng, trong khi đó các vị trí lãnh đạo cao cấp và quản lý đang rất cần nguồn nhân sự để phát triển ngành. Cụ thể như mức lương cho vị trí logistics manager dao động từ 3.000 – 4.000 USD/tháng, vị trí giám đốc chuỗi cung ứng (Supply Chain Director) có mức lương từ 5.000 – 7.000 USD/tháng. Vì vậy, nhu cầu từ các doanh nghiệp là có thực, mức lương hấp dẫn, ngành logistics vẫn còn rất nhiều đất diễn cho các ứng viên đam mê công việc phân tích, quản lý và điều phối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Nếu có Quỹ đầu tư Start-up logistics, không dừng lại chỉ là đáp ứng bài toán nhân lực ngành logistics, mà là một cộng đồng khởi nghiệp logistics mạnh trong tương lai. |
Bạn muốn một công việc ổn định, hay thích sự mạo hiểm, khởi nghiệp là con đường vô cùng chông gai và khó khăn? Nhưng có thể bạn sẽ kiếm được nhiều tiền và trở nên giàu. Chẳng phải rất tuyệt sao?
Khởi nghiệp logistics từ nguyên tắc giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp
Ngày nay, trong xu thế start-up, có rất nhiều bạn trẻ đã tận dụng lợi thế của bối cảnh, qua đó lập kế hoạch thực thi và từng bước xây những viên gạch trên con đường khởi nghiệp logistics. Họ đều nắm rõ một nguyên tắc để start-up logistics: Làm thế nào để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp ở mức thấp nhất? Với nguyên tắc ấy, họ đã khởi nghiệp logistics bước đầu thành công.
Sanvanchuyen là một trong những điển hình về startup logistics, ra đời trong sự trăn trở về chi phí logistics cho doanh nghiệp. Giải quyết những bất cập thường gặp nhất trong hoạt động logistics ở Việt Nam là nhiều doanh nghiệp chật vật tìm đơn vị uy tín, trong khi các hãng vận tải lại không có hàng để vận chuyển. Tỷ lệ xe tải không đủ khối lượng hàng lấp đầy trong mỗi chuyến hơn 60% cho thấy sự lãng phí rất lớn. Tình trạng những chuyến xe tải chạy theo trục Bắc - Nam chỉ một lượt có hàng, nhưng doanh nghiệp phải trả phí khứ hồi cũng xảy ra thường xuyên. Sanvanchuyen xuất phát từ ý tưởng của một thanh niên trẻ tên Phạm Tấn Đạt, khởi nghiệp từ 200 triệu đồng. Sanvanchuyen đã xây dựng kho dữ liệu tương đối đầy đủ về các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên mọi tuyến đường nhằm tạo ra sự tối ưu cho khách hàng trong việc tìm kiếm chuyến xe. Hiện tại có 800 công ty vận tải, với 1.700 đầu xe đăng ký tham gia mô hình này.
iFreight là giải pháp công nghệ cung cấp cả bốn loại dịch vụ vận tải đường biển, hàng không, nội địa, và dịch vụ hải quan. Với hệ thống này của iFreight, doanh nghiệp có thể đặt dịch vụ logistics mọi lúc, mọi nơi, sau vài cú nhấp (click) chuột giống như đặt vé máy bay trực tuyến. Hệ thống này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí, kiểm soát được rủi ro, giảm sự phân tán nguồn lực, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, khắc phục những bất cập trong cách giao dịch truyền thống. Theo khảo sát, việc đặt dịch vụ qua iFreight đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 20% chi phí. Chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Sang đã sáng lập ra mô hình này.
Start-up logistics từ thực tế và tiềm năng
Chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên kết thúc và để lại nhiều ấn tượng với khán giả xem truyền hình, nhất là số vốn hơn 116 tỷ đồng đầu tư cho 22 dự án. 48 thương vụ lên sóng và 22 thương vụ gọi vốn thành công. Tuy nhiên, có rất ít thương vụ liên quan đến ngành logistics. Chỉ có một thương vụ liên quan là giao hàng nhanh – công đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng của Lê Thanh Hoài. Anh là nhà sáng lập công ty giao hàng Super Ship với đội ngũ 70 shipper và 30 nhân viên văn phòng. Tháng 10 vừa qua, startup này kiếm được gần 1 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận trung bình 4% mỗi tháng. Thanh Hoài đã thương lượng được gói 2 tỷ đổi 20% công ty.
Giao hàng nhanh là một thị trường tiềm năng. Đây là một thương vụ sôi nổi và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, bởi tiềm năng của ngành tại Việt Nam. Rõ ràng, thương vụ này đem đến khả quan cho hoạt động kinh doanh của Super Ship. Giao hàng nhanh được thành lập bởi tinh thần khởi nghiệp của 7 chàng trai trẻ, Giao hàng nhanh phát triển mạng lưới của mình, phục vụ nhu cầu tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Nghĩ về quỹ đầu tư start-up logistics
Khởi nghiệp ở mỗi lĩnh vực, thị trường đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, đối với ngành logistics cũng không là ngoại lệ. Một mảng của logistics là chuyển hàng nhanh gần như chiếm lợi thế trong khởi nghiệp. Vẫn còn nhiều mảng khác của logistics để khởi nghiệp. Giới trẻ cần một cộng đồng Start-up logistics thể hiện khát vọng Start-up logistics.
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp logistics sẵn sàng giúp đỡ giới trẻ khởi nghiệp. Kết nối và học hỏi kinh nghiệm của những đơn vị này sẽ giúp nhiều cho quá trình kinh doanh của mỗi người. Tuy nhiên, điều này chưa đủ và chưa tương ứng với tiềm năng và triển vọng của ngành logistics Việt Nam và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, với bước phát triển thống nhất và sự quan tâm của các bộ ngành, thì Quỹ Startup logistics sẽ có đà thực hiện. Đầu mối là Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam. Tin rằng, với tiềm năng của ngành logistics Việt Nam, nếu có Quỹ đầu tư Start-up Logistics, không dừng lại chỉ là đáp ứng bài toán nhân lực ngành logistics, mà là một cộng đồng khởi nghiệp logistics mạnh trong tương lai. Sẽ có nhiều hơn những điển hình trẻ Start-up logistics thành công từ Quỹ này.