(Vietnam Logistics Review) EVFTA là hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa EU – liên minh kinh tế chính trị gồm 28 quốc gia thành viên Châu Âu với Việt Nam. Theo đó hai bên sẽ tiến hành lộ trình cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm tiến tới thành lập Khu vực mậu dịch tự do.
Hiện nay, EU là một thị trường XK quan trọng của VN (chiếm 18,6% tổng giá trị kim ngạch XK). Do vậy, việc ký kết Hiệp định EVFTA là một tín hiệu đáng mừng, mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN VN, tuy nhiên đi kèm theo cũng là những thách thức không hề nhỏ.
Hiệp định EVFTA được hai bên tuyên bố khởi động đàm phán từ tháng 6.2012. Qua 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều vòng đàm phán giữa kỳ, đến nay, Hiệp định đã kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản và đang đi gần đến ký kết chính thức. Với mức độ cam kết đã đạt được, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả VN và EU. Các nội dung chính của Hiệp định gồm:
- Thương mại hàng hóa, dịch vụ: gồm các quy định chung và các biểu cam kết thuế quan. Theo đó, các bên sẽ giảm thuế theo danh mục cụ thể các loại hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ từ bên kia.
- Quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại.
- Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ; đầu tư, phòng vệ thương mại; cạnh tranh; doanh nghiệp nhà nước; mua sắm của Chính phủ.
- Sở hữu trí tuệ, gồm các cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý...
- Cơ chế giải quyết tranh chấp, bao gồm các quy trình và thời hạn cố định để giải quyết tranh chấp, theo đó hai bên trước tiên phải tham vấn, nếu tham vấn không đạt được kết quả thì một trong hai bên có thể yêu cầu thiết lập một ban hội thẩm bao gồm các chuyên gia pháp lý độc lập…
Hiệp định còn mở rộng thêm một số quy định khác. Trên cơ sở các quy định này, có thể thấy, Hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức mới cho các DN VN.
CƠ HỘI
Mở rộng thị trường xuất khẩu
EU là một thị trường tiềm năng với khoảng 28 nước và vùng lãnh thổ, dân số hơn 500 triệu dân nên nếu các mặt hàng VN đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để giới thiệu về hàng hóa VN.
Tăng lợi thế cạnh tranh
Việc cắt giảm một số loại thuế quan sẽ giúp hàng hóa VN có lợi thế cạnh tranh về giá hơn các mặt hàng cùng loại của nước khác. Cụ thể: EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của VN thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của VN vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của VN vào EU. Như vậy, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng thương mại hai chiều giữa VN và các nước EU. Tuy nhiên, muốn được hưởng ưu đãi này thì hàng hóa VN phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, đảm bảo một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại VN hoặc EU). Đây cũng là một vấn đề mà DN VN cần quan tâm.
Tăng cường thu hút nguồn vốn và công nghệ hiện đại
Trong bối cảnh mối quan hệ chính trị giữa VN và các nước EU được củng cố, hai bên sẽ có những chính sách thông thoáng, cởi mở hơn trong quan hệ thương mại. Đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các DN châu Âu, hình thành nên những lợi thế cho cả hai bên. Các DN EU tận dụng những lợi thế của VN về nguồn lao động trẻ, có tay nghề, chi phí sản xuất thấp… còn các doanh nghiệp VN sẽ được tiếp cận với các bí quyết, công nghệ và vốn, mở rộng các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, cảng biển.
Là cầu nối phát triển thương mại với các nước trong khu vực
Với lợi thế về vị trí địa lý, VN có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của VN.
VÀ NHỮNG THÁCH THỨC
Bị cạnh tranh lớn
Theo EVFTA, VN cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế đối với hàng hóa từ EU và cam kết không tăng thuế đối với các sản phẩm còn lại. Nên hàng hóa của EU khi được NK vào thị trường VN sẽ dễ dàng hơn, với giả cả rẻ và chất lượng lại cao hơn. Đối với một số loại dịch vụ như ngành logistics, cảng biển cũng gặp khó khăn khi DN VN chưa có thế mạnh hoặc đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Với kinh nghiệm quản lý, chất lượng vượt trội hơn hẳn của các DN EU, nguy cơ các DN VN chịu lép vế là khá rõ ràng.
Tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu khắt khe
Các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU rất khắt khe và chặt chẽ. Để đáp ứng các điều kiện này thì các DN VN cũng cần thiết phải thay đổi lại hệ thống SXKD, từ khâu chọn giống, bảo quản, vận chuyển, đến bảo vệ quyền lợi của người lao động, trách nhiệm xã hội… Nếu không được chuẩn bị tốt thì nguy cơ DN VN bị thao túng bởi các DN nước ngoài là điều tất nhiên.
Bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Mặc dù trong các Hiệp định thương mại các bên đều cam kết giảm thuế quan với hàng NK từ đối tác nhưng trong thương mại quốc tế cũng không cấm các nước sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ thị trường trong nước. Nếu các DN XK VN không có chiến lược kinh doanh rõ ràng, không được trang bị các kiến thức cần thiết thì rất dễ vướng phải những vụ kiện liên quan đến PVTM, gây mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Trên cơ sở nhận diện những cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA, Nhà nước cần có những định hướng phát triển phù hợp, để có thể tận dụng được những lợi ích mà Hiệp định mang lại và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh đó, các DN, Hiệp hội, Ngành hàng cũng cần chủ động tìm hiểu các thông tin về các Hiệp định mới để có sự chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai.