Phân tích của hội đồng trọng tài và bài học kinh nghiệm
Bị đơn cho rằng, Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng không áp dụng cho cả 13 lô hàng mà chỉ áp dụng cho lô hàng nói trong Phụ lục, nghĩa là chỉ cho 3 container lô thứ nhất; với các lô hàng khác thì phải ký hợp đồng mới mặc dù Bị đơn đã chấp nhận toàn bộ 13 bản báo giá. Thực tế là Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn 544.820.950 VNĐ là tiền cước vận chuyển quốc tế và phí dịch vụ hải quan của lô thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Bằng hành động này, Bị đơn đã thừa nhận Hợp đồng và Phụ lục áp dụng cho cả những lô tiếp theo lô thứ nhất. Căn cứ vào khoản 2 Điều 408 của Bộ luật Dân sự 2005 thì 13 bản báo giá (chỉ báo giá vận chuyển đường biển) mà Bị đơn chấp nhận hoàn toàn được coi là phụ lục của Hợp đồng.
Bị đơn cho rằng, Nguyên đơn phải vận chuyển hàng bằng đường biển và đường bộ về đến nhà máy theo Hợp đồng quy định nên không thanh toán chặng đường bộ. Thực tế là Bị đơn đã thuê đơn vị khác vận chuyển bằng đường bộ về nhà máy mặc dù có hỏi giá Nguyên đơn. Như vậy, theo khoản 2 Điều 408 Bộ luật Dân sự 2005, dịch vụ vận chuyển đường bộ đã được hai Bên đồng thuận sửa đổi so với Hợp đồng cũng như Phụ lục. Bị đơn không có khiếu nại về hư hỏng, mất mát và chậm trễ của 13 lô hàng sau khi về cảng Hải Phòng. Do đó, theo Điều 96 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005, Bị đơn đã nhận đúng và đủ 13 lô hàng nên không có cơ sở để từ chối thanh toán tiền cước vận chuyển đường biển cùng phí dịch vụ còn lại.
Bị đơn cho rằng, chưa ký biên bản nghiệm thu, đối chiếu công nợ cho từng tháng nên không phát sinh tiền phạt trả chậm. Theo Điều 4 của Hợp đồng, hàng tháng, Nguyên đơn phải gửi chứng từ thanh toán và tiền phạt trả chậm nhưng Nguyên đơn chỉ có Giấy ghi nợ từng chuyến, không có số tiền phạt trả chậm và chưa được Bị đơn xác nhận. Nguyên đơn chỉ có 03 công văn yêu cầu trả tiền cước của 13 lô hàng và bảng kê tổng số nợ là 2.168.382.175 VNĐ. Tuy vậy, trước đó Bị đơn đã trả Nguyên đơn 544.820.950 VNĐ nên số tiền nợ chỉ còn 1.623.561.225 VNĐ. Từ đó, Hội đồng trọng tài (HĐTT) cho rằng, Nguyên đơn không có đủ tài liệu đòi thanh toán 197.187.653 VNĐ tiền phạt theo khoản 2 Điều 6 Hợp đồng.
Bị đơn cho rằng đã ủy quyền cho Nguyên đơn làm Đại lý làm thủ tục hải quan, đăng ký danh mục hàng nhập khẩu nhưng không có chứng cứ về việc ủy quyền này. Trong 13 báo giá, Nguyên đơn chỉ báo phí làm dịch vụ hải quan, không làm Đại lý làm thủ tục hải quan. Theo khoản 7 Điều 4 Luật Hải quan năm 2005 và khoản 1 Điều 2 Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày 09/06/2011, nếu Nguyên đơn được ủy quyền làm Đại lý làm thủ tục hải quan thì các Tờ khai hải quan phải đứng tên Nguyên đơn. 13 tờ khai hải quan đều đứng tên Bị đơn, Bị đơn còn cấp giấy giới thiệu, xác nhận nhân viên của Nguyên đơn là người của Bị đơn để làm thủ tục Thông quan (hàng hóa). Từ đó, HĐTT nhận thấy Nguyên đơn không phải là Đại lý làm thủ tục hải quan mà chỉ là người làm thuê dịch vụ khai hải quan. Hơn nữa, theo Điều I.3 “Các Điều kiện Kinh doanh chuẩn của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam” mà hai Bên chấp nhận (trong Hợp đồng và các email báo giá) thì khi làm thủ tục hải quan, xin giấy phép…, Nguyên đơn chỉ được coi là người thực hiện công việc thay mặt Bị đơn theo Giấy giới thiệu của Bị đơn mà không phải là Đại lý làm thủ tục hải quan, do đó, sự chậm trễ trong thông quan và phát sinh phí lưu container hoàn toàn do lỗi của Bị đơn. (*)