Những ưu tiên lớn trong điều hành kinh tế 2019

baohaiquan.vn|23/04/2019 13:25

(VLR) GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, đã cải cách thì phải triệt để, phải quyết tâm đi theo con đường cải cách. Phải cải cách quyết liệt để tạo ra môi trường kinh doanh mới, để tạo ra các nhân tố mới, các sản phẩm mới cho đất nước.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 - 2017

Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 - 2017

Công thức điều hành phù hợp

Nhờ sự điều hành hợp lý cũng như sự nỗ lực của cộng đồng DN, các địa phương, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017. Sở dĩ như vậy là do Việt Nam đã trải qua quý I với không ít bất định. Theo đó, xu hướng đảo chiều chính sách từ thắt chặt tài chính sang ứng phó với suy giảm kinh tế đã bắt đầu hiện hữu; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn còn phức tạp. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác, dù có nhiều thông tin, bộc lộ nhiều diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế khu vực như Thái Lan, Indonesia trong năm bầu cử, với những khả năng thay đổi Chính phủ và định hướng điều hành gắn với hợp tác kinh tế khu vực...

Đánh giá về điều hành của Chính phủ, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cho đến tháng 4/2019, công thức điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tỏ ra phù hợp.

Theo đó, chính sách tiền tệ vẫn giữ được sự thận trọng, linh hoạt cần thiết, và vẫn củng cố thêm được dư địa điều hành đối với lãi suất, dự trữ ngoại hối. Cách thức điều hành chính sách tiền tệ vẫn hướng tới củng cố niềm tin của thị trường và nền tảng của hệ thống, tăng an toàn vốn, xử lý nợ xấu, thay vì vội vã chạy theo xử lý các vấn đề ngắn hạn. Chính sách tài khóa đã có sự phối hợp tích cực hơn với chính sách tiền tệ, trên nền tảng ngân sách nhà nước được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Chính sách thương mại tiếp tục phát huy sự nhanh nhạy, thực dụng, đặc biệt trong quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, giảm thiểu nguy cơ bị chống trợ cấp, chống bán phá giá... Nhờ đó, môi trường kinh tế vĩ mô đã tạo điều kiện để Việt Nam làm sâu sắc hơn các cải cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ CIEM, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng – thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP – vẫn tiếp tục suy giảm. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý còn lại để đạt mục tiêu cả năm 2019.

Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý I/2019 của CIEM nêu rõ, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô. Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện. Ngay cả với Hiệp định CPTPP, các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Theo đó, các chuyên gia khẳng định, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ.

Ưu tiên điều hành

Với những hạn chế đó, các chuyên gia cho rằng, ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Dương cũng nhấn mạnh quan điểm cần ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền cho cải cách. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng những kịch bản mới nhằm ứng phó với những diễn biến, thay đổi mới.

Về ưu tiên cải cách nền tảng kinh tế vi mô, cần ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh phù hợp với Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019, ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định, ban hành khung chính sách và chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chủ động trao đổi, hợp tác với các đối tác nhằm thực thi hiệu quả CPTPP, vận động phê chuẩn EVFTA, và nhanh chóng hoàn thành cơ bản đàm phán RCEP. Đồng thời, ban hành Luật sửa một số luật để thực thi CPTPP và tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các FTA và điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán, đã hoàn tất đàm phán và đã ký kết để có những điều chỉnh về quy định pháp luật phù hợp.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, với tốc độ tăng trưởng GDP/người 5%/năm, Việt Nam rất khó có thể thu hẹp nhanh khoảng cách và trình độ phát triển của các nước trong khu vực và với các nước mà Việt Nam muốn đuổi kịp. “Chúng ta cần cải cải cách hơn nữa, nhưng việc cải cách rất khó vì có nhiều nhóm lợi ích đan xen nhau, cải cách sẽ động đến lợi ích của nhóm này nhóm khác”, TS.Nguyễn Đình Cung lưu ý.

TS.Nguyễn Đình Cung cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 02, Chính phủ đã thảo luận nhiều để bổ sung 2 từ “bứt phá” vào phương châm của năm 2019, nhưng đến nay tháng 4 rồi vẫn y nguyên. Cái mà Chính phủ muốn nhìn thấy đó là đà cải cách môi trường kinh doanh được tiếp nối từ 2018. “Cái mà chúng ta kỳ vọng nhưng cũng đang cản trở DN đó là giấy phép con, giấy phép cháu. Kết quả cải cách vẫn dừng ở tháng 11/2018, từ đó trở đi chúng ta không nhìn thấy cải cách rõ nét. Đến nay tính bứt phá mà chúng ta hy vọng là chưa đạt được, chúng ta chưa nỗ lực một cách tối đa để đạt mục tiêu”, ông Cung nói.

GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, đã cải cách thì phải triệt để, phải quyết tâm đi theo con đường cải cách trong đó phải đề cao khu vực tư nhân, phải phát triển tối đa kinh tế tư nhân để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao cạnh tranh. Nếu không cạnh tranh được thì sẽ tụt hậu rất nhanh. Phải cải cách quyết liệt để tạo ra môi trường kinh doanh mới, để tạo ra các nhân tố mới, các sản phẩm mới cho đất nước.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Những ưu tiên lớn trong điều hành kinh tế 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO