"Nếu bán hết nhiêu đây cam chỉ được khoảng 50.000 đồng, nhưng cũng mua được ít dầu ăn, nước mắm dùng trong nhà, chứ mùa này lỗ quá rồi", đấy là lời của người nông dân Phạm Ngọc Dung, ở xã Tân Mỹ, được VnExpress đưa tin. Bà cùng chiếc xe thồ chở 35 kg cam tươi, vượt khoảng 3 km để bán cho các quán giải khát dọc đường liên xã. Kể ra 3 km không xa, nhưng hy vọng được mùa "trúng giá" thì xa vời.
Người phụ nữ 60 tuổi này, cho biết gia đình có hai công đất (2.000 m2) trồng cam, năm nay cho trái vụ thứ hai. Trước Tết, vườn cam đúng lúc thu hoạch nhưng giá chỉ 8.000-10.000 đồng/kg nên bà cùng nhiều chủ vườn cố giữ lại chờ lên giá. Bởi những năm trước, sau Tết giá cam sành đều lên 15.000-20.000 đồng mỗi kg.
Bà Dung không ngờ rằng, sau Tết giá cam lao dốc, chỉ còn 1.000-2.500 đồng/kg, cam thu hoạch đúng thời vụ (cam xanh) cũng chỉ được 3.000-4.000 đồng mỗi kg. Không thể chờ đợi thêm vì cam đã chín rục, bà vừa phải bán hơn 20 tấn với giá 3.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, ngay sau Tết, bà bán cam với giá gấp 6 lần.
Cách nhà bà Dung không xa, ông Nguyễn Văn Năm, 54 tuổi cũng vừa phải bán 15 công cam sành (130 tấn) với giá 2.000-2.500 đồng mỗi kg; lỗ hơn 350 triệu đồng. Do liên tiếp ba năm trước, sau Tết cam đều có giá cao nên năm rồi ngoài vườn cam đang cho trái, ông thuê thêm 5 công đất với giá 8 triệu đồng mỗi năm để trồng thêm.
"Cam chín giữ lại từ trước Tết và cam xanh đúng vụ đều có giá quá thấp nên mùa này tôi bị lỗ nặng", ông Năm nói. Ông không hiểu vì sao năm nay nhu cầu thị trường khác mọi năm khiến nông dân trồng cam lâm vào cảnh khốn khó. Ngay sau khi bán hết cam, ông Năm tranh thủ đi hái cam thuê với tiền công 300.000-400.000 đồng mỗi ngày để có thêm đồng ra đồng vào.
Còn rất nhiều nông dân khác ở Trà Ôn cùng cảnh ngộ. "Bán mỗi tấn cam được 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thuê nhân công hái, vận chuyển hết 700.000 đồng; số tiền còn lại chỉ đủ mua một bao phân DAP loại 50 kg", ông Trần Văn Tường ở xã Thới Hòa ngậm ngùi. Ông bày tỏ mong nhà nước có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, giúp nông dân tái đầu tư sản xuất, không phải bỏ vườn cam.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Vĩnh Long, cho biết giá cam sành giảm mạnh chưa từng có là do cung đã vượt cầu. Ba năm trước, ngành (NN&PTNN) địa phương đã cảnh báo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng loại cây này. Tuy nhiên, do giá cam sành nhiều năm qua ở mức cao - khoảng 15.000 đồng một kg nên nhiều hộ đổ xô trồng cam.
Trong số những người nông dân thu "cam đắng", có nhiều người thuê đất trồng cam sành với giá cao (8-9 triệu/ha), gấp đôi so với trước. Cùng với đó, giá vật tư và thuê lao động cũng tăng, khiến chi phí trồng một ha cam sành lên 80-90 triệu đồng, tăng 30-40 triệu so với trước.
Hội chứng "cung vượt cầu", còn do cả chuỗi cung ứng. Nhiều địa phương khác ở phía Bắc cũng trồng cam như Nghệ An, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên nên doanh nghiệp gặp cạnh tranh khi vận chuyển cam sành Vĩnh Long ra phía Bắc bán. Ngoài ra, cam sành Vĩnh Long vẫn chưa xuất khẩu trái tươi do vỏ xấu, không láng và có màu vàng, màu đỏ như cam ngoại.
Theo quy hoạch, tới năm 2025, toàn tỉnh Vĩnh Long có 15.000 ha cam sành nhưng hiện trên địa bàn đã có 17.000 ha. Riêng huyện Trà Ôn là hơn 9.500 ha, nhiều nhất miền Tây. Trong 3 năm qua, mỗi năm địa phương này có hơn 1.000 ha cam sành được trồng mới. Theo ngành NN&PTNN Vĩnh Long, sản lượng cam sành cần thu hoạch trong tháng 2 và 3 năm nay là 80.000 tấn. Hiện, mỗi ngày có khoảng 200-300 tấn cam được thương lái thu mua, đưa đi tiêu thụ các nơi.
Cũng theo VnExpress, hiện nay có hàng nghìn ha lúa, mít ở miền Tây được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng gây lo ngại một số vùng không hợp thổ nhưỡng, cung vượt cầu dẫn tới được mùa rớt giá.
Bộ NN&PTNN từng có đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030", quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước 65.000-75.000 ha. Tuy nhiên, hiện đất trồng sầu riêng cả nước đã trên 80.000 ha và đang còn tăng lên.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ, lo ngại tình trạng nông dân đổ xô trồng sầu riêng mà thiếu quy hoạch sẽ gây ra nguy cơ có nơi trồng không hợp thổ nhưỡng. Điển hình như ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) chủ yếu đất phèn trũng, chỉ thích hợp các loại cây như khóm, nếu trồng sầu riêng sẽ tốn nhiều chi phí cải tạo đất.
Ông cũng cảnh báo những vùng có nguy cơ bị ngập lũ như Đồng Tháp Mười (gồm một phần của ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) nếu trồng sầu riêng mà không có hệ thống đê bao an toàn sẽ gây ra nhiều rủi ro. Mặt khác, ở những vùng có cống ngăn mặn, nhưng nếu thời gian dài thiếu nước ngọt, phèn từ dưới đất sẽ xì lên làm chết cây. Do đó, nông dân trong vùng này khi trồng sầu riêng cần lên kế hoạch trữ nước ngọt đủ qua mùa khô hạn.
* Để khắc phục tình trạng nói trên, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả, nhằm bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu, thực phẩm cho nhân dân và trên cơ sở đó tăng thu nhập cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và nông dân, từ năm 1964, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 90-CP, ngày 25/5/1964 về Quy hoạch trồng cây ăn quả. Như vậy là đã hơn 60 năm, chúng ta vẫn "loay hoay" với quy hoạch.
* Ngày 27/10/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT Phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Mục tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2025: Diện tích cây ăn quả cả nước 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 ngàn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn.
Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 70-80%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương…) 30%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 20-30%. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.
Sau Đề án của Bộ NN&PTNN, như "dây chuyền" tư duy, Sở NN&PTNN các tỉnh, thành phố đều có đề án riêng cho địa phương. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là chuỗi cung ứng thì vẫn là dấu hỏi lớn./.