Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các Bộ trưởng Giao thông Vận tải các nước ASEAN
Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhận định, trong những năm qua, hợp tác giao thông vận tải giữa các nước ASEAN đã không ngừng được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ tăng cường kết nối giữa các quốc gia thành viên, góp phần hướng tới một "ASEAN thông suốt".
Nhiều sáng kiến, đề xuất và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi vận tải đã được ngành giao thông vận tải các nước tích cực triển khai, nhằm thúc đẩy giao thương, tăng cường kết nối giữa các nước thành viên ASEAN nói riêng và giữa ASEAN với thế giới nói chung.
Năm 2020 Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, hướng tới một ASEAN hòa bình, ổn định, ngày càng phát triển bền vững, có bản sắc, có vai trò và tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Hướng tới mục tiêu này, Phó thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải các nước ASEAN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, biện pháp trong khuôn khổ hợp tác giao thông vận tải ASEAN trên tất cả các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ cũng như thúc đẩy triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết.
Đồng thời tiếp tục phối hợp hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tăng cường phát triển giao thông vận tải bền vững, cụ thể: Chủ động, tích cực triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải ASEAN 2016 - 2025, nhân tố quan trọng trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2025;
Triển khai có hiệu quả Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hành khách qua biên giới bằng đường bộ và các Hiệp khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải nhằm tạo ra một mạng lưới vận tải hàng hóa, dịch vụ và hành khách thuận lợi, không cản trở, tiến tới một Cộng đồng Kinh tế ASEAN "không rào cản, không biên giới".
Thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Hàng không toàn diện ASEAN – EU – Hiệp định Hàng không thế hệ mới lần đầu tiên giữa hai khu vực lớn trên thế giới, tạo tiền đề cho kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa hai khu vực này; Hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định ASEAN về Hợp tác tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải – nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động kết nối giao thương giữa các nước ASEAN;
Chung tay, nỗ lực phát triển giao thông vận tải ASEAN bền vững, giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường, cắt giảm khí thải nhà kính đến từ hoạt động giao thông vận tải.
Ngoài ra, Theo Phó Thủ tướng, các nước ASEAN cần đẩy mạnh kết nối với thế giới thông qua các thỏa thuận hợp tác với các đối tác như: triển khai Hiệp định về dịch vụ hàng không ASEAN – Trung Quốc; đàm phán, ký kết Hiệp định hàng không ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – New Zealand, ASEAN – Hoa Kỳ.
Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm thực tiễn của các đối tác nêu trên để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ASEAN hiện đại, đồng bộ, kết nối thông suốt giữa ASEAN và các nước đối tác.
Trong bối cảnh lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người ngày càng rõ rệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ trưởng xem xét, thảo luận để đề ra các phương hướng, cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực: Tăng cường hơn nữa "kết nối số, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động giao thông vận tải; tận dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao hiệu quả kết nối về giao thông vận tải;
Phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực bên ngoài. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực giao thông vận tải.
"Đây là yêu cầu cấp bách thời đại mới, phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để khu vực ASEAN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế", Phó thủ tướng nhấn mạnh.