Vận tải thủy gây ô nhiễm các dòng sông ảnh hưởng tài nguyên nước
Đối với vận tải thủy được đánh giá là một phương thức vận tải có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vận tải thủy trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng là một nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước các dòng sông.
Tác động môi trường do hoạt động của các phương tiện vận tải thủy thể hiện trên nhiều mặt. Trước hết là, ô nhiễm nước do dầu mỡ: Trong các nguồn gây ô nhiễm từ tàu thì nhiễm bẩn gây ra bởi dầu mỡ và các sản phẩm dầu mỡ được quan tâm nhiều nhất, vì với 1 tấn dầu có khả năng loang phủ trên một diện tích 12 km2 mặt nước. Những nguyên nhân chính gây nhiễm bẩn nước do dầu và các sản phẩm dầu là: các tai nạn do va chạm hoặc do mắc cạn của tàu thủy nói chung và các tàu dầu nói riêng; việc xả cặn dầu, nước dằn tàu lẫn dầu; sự hư hỏng của các hệ thống hoặc cơ cấu tàu thủy; sự rò rỉ trong các thao tác giao nhận dầu tại kho cảng; nhiên liệu lỏng và dầu mỡ bôi trơn có thể bị tràn, thấm, rò rỉ.
Thứ hai là, nước dằn và nước làm mát máy: Nước dằn ngoài tác hại mang theo một lượng dầu lẫn trong nó làm ô nhiễm nước sông biển còn là một nguồn truyền dịch bệnh do khi tàu lấy nước dằn tại vùng có bệnh dịch. Với tàu sông, đôi khi nước sông được bơm lẫn vào làm mát máy trực tiếp theo chu trình hở. Trường hợp này ngoài việc mang nhiệt nước sau khi làm mát còn đem theo một lượng nhỏ sản phẩm mài mòn, các hạt rắn này gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba là, chất thải sinh hoạt và rác thải rắn: Đại đa số phương tiện trong quá trình hoạt động đều xả chất thải trực tiếp ra đường thủy nội địa như: nước thải sinh hoạt, vệ sinh... thức ăn thừa, túi ni-lông, vỏ chai lọ, rác rưởi... và thải trực tiếp các chất thải rắn như: giẻ lau máy, rỉ sắt, sơn cũ, cặn sơn khi cạo gõ, sơn lại phần nổi của phương tiện... gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường đường thủy nội địa.
Thứ tư là, chất thải nguy hiểm, độc hại: Các phương tiện thủy khi chở các hóa chất độc lỏng, chở hỗn hợp đồng thể hoặc không đồng thể trong quá trình làm vệ sinh hoặc rút nước dằn hầm tàu đều có thể gây nguy hiểm cho môi trường sinh thái và việc sử dụng nguồn nước.
Thứ năm là, khí xả của máy chính và động cơ đốt trong lắp trong tàu: Máy chính và các động cơ lai máy phát điện trên tàu thường là động cơ đốt trong chạy bằng dầu diesel là chính.
Thứ sáu là, sự bay hơi của xăng dầu trên tàu: Từ các két chứa nhiên liệu, chứa dầu bôi trơn trên tàu hàng và tàu khách, các khoang chứa dầu trên tàu chở dầu luôn luôn có hơi dầu thoát qua ống thông hơi lan vào không khí. Trong hơi xăng dầu có đem theo các hydrocacbon dễ phản ứng để tạo thành các ô xi hóa tổng hợp và ôzôn gây hiện tượng sương mù quang hóa.
Thứ bảy là, hơi độc và hơi chứa hóa chất thoát ra từ các hầm hàng: Để đảm bảo cho không khí trong buồng máy, trong các hầm lạnh và trong các hầm hàng thông thoáng, tại buồng máy và các khoang hàng thường được lắp đặt một hệ thống thông gió cưỡng bức nhằm thường xuyên đưa lượng không khí nhiễm bẩn nặng ra ngoài và thay vào đó lượng không khí sạch. Đây chính là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn từ phương tiện thủy phát ra.
Đa số các phương tiện lắp máy đều có bộ phận giảm thanh, nhưng do tự chế tạo nên việc chế tạo không đảm bảo triệt để tác dụng giảm thanh (việc chế tạo các vách ngăn trong bầu giảm thanh chưa hợp lý...). Mặt khác, các cơ quan chức năng chưa có thiết bị đo, kiểm tra vấn đề này nên đã làm ảnh hưởng đến môi trường. Với các phương tiện lắp máy dạng Cole (một số phương tiện chỉ lắp ống tuýp nước thay cho bầu giảm âm...) thường gây ra tiếng ồn lớn trên sông.
Quản lý tài nguyên nước tổng thể, tổng hợp, công bằng
Tại phiên đối thoại cấp cao Hợp tác về nước trong khuôn khổ Hội nghị của Liên Hợp Quốc về nước năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ quan điểm này. Đây là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các lưu vực sông.
60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Uỷ hội sông Mekong, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.
Nhu cầu và quan niệm hiện nay coi các dòng sông xuyên biên giới là thực thể thống nhất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Mỗi lưu vực sông có đặc trưng văn hoá riêng, có tính thống nhất liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí…Mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp. Cùng với đó, sự thống nhất các dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.
"Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước. Trước hết, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, các quốc gia cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề cập đến tính cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông.
"Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học", Phó Thủ tướng nói.
Phân tích về tính phức tạp của các dòng sông xuyên biên giới, Phó Thủ tướng cho rằng cần có các dự án đầu tư, điều tra, đánh giá đầy đủ, đồng thời đưa ra quy hoạch quản lý tổng hợp. Trong đó có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các giá trị văn hoá mà dòng sông tạo nên.
Nhấn mạnh sinh kế của người dân luôn gắn với các dòng sông, Phó Thủ tướng cho rằng trong mọi quá trình quản lý phải dựa vào người dân để đưa ra quyết định. Phó Thủ tướng đề nghị hình thành nên các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc để điều phối, hỗ trợ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các quốc gia có dòng sông xuyên biên giới chảy qua.
Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước phải gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng khuôn khổ pháp lý đi cùng với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước.