Quảng trị: Lợi thế với điểm đầu tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây

15/03/2017 10:35

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Nếu như Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (HLKTĐT) thì Quảng Trị là điểm bắt đầu của tuyến hành lang này khi vào lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy Quảng Trị là địa phương đầu tiên có những lợi thế trong việc tiếp cận với các trung tâm kinh tế của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và kết nối với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam.

(Vietnam Logistics Review) Nếu như Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (HLKTĐT) thì Quảng Trị là điểm bắt đầu của tuyến hành lang này khi vào lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy Quảng Trị là địa phương đầu tiên có những lợi thế trong việc tiếp cận với các trung tâm kinh tế của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và kết nối với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam.

Là một tỉnh nằm ở trung điểm của đất nước, ở vị trí quan trọng là điểm đầu của HLKTĐT nối từ Myanmar – Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển như Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Trong đó, cảng Cửa Việt của Quảng Trị là một trong những cảng biển có thể phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua đường Xuyên Á. Cách trung tâm thành phố Đông Hà không xa còn có sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Theo các nhà phân tích thì đó là những điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị

Những năm qua, Quảng Trị được Nhà nước đầu tư, và ban hành một số chính sách ưu đãi khác nên tiềm lực kinh tế của tỉnh có những bước khai phá mới. Qua đó, Khu kinh tế (KKT) thương mại đặc biệt Lao Bảo là một điển hình. Mặc dù còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhưng nhìn chung KKT này đã có bước khởi sắc nhất định. Các khu công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà, Quán Ngang; các cụm tuyến du lịch Hiền Lương, Cửa Tùng, Khe Sanh, Lao Bảo... được xây dựng về hạ tầng, thu hút đầu tư, đang từng bước phát huy hiệu quả; cơ sở hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông… không ngừng được mở rộng…

Đặc biệt, vào cuối năm 2016 Quảng Trị đã công bố xây dựng KKT Đông Nam (được Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 9.2015), với các khu chức năng công nghiệp, du lịch dịch vụ, khu dân cư, khu cảng...

Khu công nghiệp Đông Hà (Quảng Trị)

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, KKT này được thành lập nhằm phát huy tối đa lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa tỉnh Quảng Trị với các vùng trong cả nước. Nó sẽ trở thành KKT tổng hợp, đa ngành và là trung tâm giao thương quốc tế… Cũng theo ông Chính, hiện đã có 4 dự án triển khai các giai đoạn đầu tư vào KKT này. Trong đó có nhà máy nhiệt điện công suất 2.400 MW, với vốn đầu tư 2,26 tỷ USD do công ty điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư. Cùng với 2 dự án nhiệt điện, điện khí khác, nhà máy nhiệt điện này sẽ đưa Quảng Trị trở thành trung tâm nhiệt điện, điện khí miền Trung, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước sẽ còn xuất khẩu sang các nước lân cận, tiến tới phát triển hành lang năng lượng kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan.

Khu công nghiệp Quán Ngang (Quảng Trị)

Trong khi đó, dự án cảng biển Mỹ Thủy là đầu mối trung chuyển hàng hóa, cửa ra thuận tiện và ngắn nhất trên tuyến HLKTĐT (EWEC). Cảng Mỹ Thủy có độ sâu -17,5m, đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, vốn đầu tư 630 triệu USD cũng đã được 8/9 bộ ngành chấp thuận đầu tư. Ngoài ra, một số dự án di dân, tái định cư đang được khởi động để thực hiện các dự án động lực quy mô lớn ở trên.

Tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức giữa năm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những thành tựu của Quảng Trị. Thủ tướng cho rằng, Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng và thuận lợi về giao thông, là tỉnh có nhiều di sản, di tích và bãi biển nổi tiếng có thể khai thác làm giàu. “Để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh sự giúp đỡ của Trung ương, các nhà đầu tư… thì tỉnh phải tự mình vươn lên bằng chính nghị lực, sự chủ động, sáng tạo. Nhất là cần tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh trong khu vực để tạo thành chuỗi sản phẩm công nghiệp, du lịch và dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2015 của tỉnh đạt 7,1%; GDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội hơn 10.140 tỷ đồng... Giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã thu hút 262 dự án với tổng số vốn đầu tư 50.300 tỷ đồng. Trong đó có 14 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 2.000 lao động… “Những thành quả này đã đem đến cơ hội và điều kiện phát triển cho tỉnh, đồng thời là cơ sở để tỉnh triển khai thực hiện chiến lược kêu gọi, vận động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới”, ông Chính nói.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, Quảng Trị luôn mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và những khát vọng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. “Với quyết tâm đó, tỉnh Quảng Trị tin tưởng sẽ nhận được cơ hội để chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được qua bao thế hệ, nơi hội tụ trí tuệ, sự cống hiến, lợi ích của các nhà đầu tư, cũng như tất cả bạn bè đã yêu quý, tri ân vùng đất Quảng Trị anh hùng này”, ông Hùng nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quảng trị: Lợi thế với điểm đầu tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO