Quảng Trị: Tiêu hủy 60 tấn hải sản do ô nhiễm môi trường biển

26/08/2016 09:32

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh bắc miền Trung do ô nhiễm môi trường biển, UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt phương án tiêu hủy 20 tấn cá nục của cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc, đóng tại Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh do có nhiễm chất phenol.

(Vietnam Logistics Review) Liên quan đến sự cố cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh bắc miền Trung do ô nhiễm môi trường biển, UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt phương án tiêu hủy 20 tấn cá nục của cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc, đóng tại Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh do có nhiễm chất phenol.

Cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua

Được biết 20 tấn cá này đã bị cơ quan chức năng của tỉnh niêm phong trước đó gần 3 tháng, sau khi Sở Y tế tỉnh kiểm tra phát hiện trong cá nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg, đây là chất cực độc không được phép tồn tại trong thực phẩm.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã quyết định tiêu hủy 40 tấn hải sản gồm sứa, cá nục, cá hố, nước mắm… được các cơ sở đông lạnh trong tỉnh thu mua, chế biến sau khi có sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường biển.

Theo một lãnh đạo của Sở TN&MT Quảng Trị, phương án tiêu hủy toàn bộ số hải sản trên được Sở đề ra là đào hố chôn lấp, có sử dụng bạt lót đáy, rắc kèm vôi bột và chloramin B. Kinh phí cho việc tiêu hủy này vào khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng theo vị cán bộ nói trên thì, hiện nay Sở vẫn chưa chọn được địa điểm chôn lấp, tiêu hủy tối ưu.

Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường biển, ngày 25.8.2016, trả lời câu hỏi của một số phóng viên báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nếu vùng biển ô nhiễm thì cũng giống như một cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm được sản xuất sẽ không đảm bảo an toàn để người dân sử dụng. Do đó, hải sản đánh bắt ở các vùng biển có sự cố môi trường cũng chưa nên sử dụng.

Đầu tháng 4 vừa qua, hiện tượng cá chết “bất thường” hàng loạt xảy ra tại vùng biển gần Khu công nghiệp Vũng Áng (xã Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), sau đó lan đến vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mà nguyên nhân là do hoạt dộng xả thải của nhà máy Formosa, trực tiêp là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đơn vị này sau đó đã chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Tiêu hủy 60 tấn hải sản do ô nhiễm môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO