Sự cố môi trường tại miền Trung: Bài học đắt giá

23/07/2016 10:28

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Sau những phỏng đoán, chờ đợi, cuối cùng đã có kết luận chính thức về nguyên nhân gây sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung VN là do lỗi của công ty Hưng Nghiệp (Formosa) Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm gì và xử lý như thế nào để khôi phục môi trường biển, hạn chế thấp nhất những tác động của sự cố này.

(Vietnam Logistics Review)Sau những phỏng đoán, chờ đợi, cuối cùng đã có kết luận chính thức về nguyên nhân gây sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung VN là do lỗi của công ty Hưng Nghiệp (Formosa) Hà Tĩnh. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm gì và xử lý như thế nào để khôi phục môi trường biển, hạn chế thấp nhất những tác động của sự cố này.

Giải tỏa bức xúc dư luận

Trong tháng 04.2016, tại ven biển 04 tỉnh miền Trung Việt Nam gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng hải sản chết hàng loạt. Sự cố này ngay lập tức đã tác động trực tiếp tới hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, mua bán thủy hải sản của ngư dân các tỉnh miền Trung. Người dân không dám ăn cá biển, ngành thủy sản thiệt hại nặng nề. Hoạt động du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng cũng bị tác động. Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng môi trường nước bị ô nhiễm khiến các rặng san hô, sinh vật đáy biển bị chết, phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được.

Không chỉ thế, sự cố cũng gây ra những ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý và tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội ở khu vực bị thiệt hại, nhất là trong bối cảnh những thế lực thù địch vẫn tiếp tục lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã vào cuộc kịp thời, đưa ra những chính sách, chỉ đạo việc thực thi nhằm hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhằm ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.

Sau hơn 2 tháng làm việc tích cực, trong kết luận cuối cùng đã chỉ rõ nguyên nhân gây ra sự cố là do những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Công ty này cũng “tâm phục, khẩu phục” nhận lỗi, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân VN và bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của VN với tổng số tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng); khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra. Nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Với kết luận khoa học, chính xác và khách quan đã giải tỏa được bức xúc của cả cộng đồng xã hội. Dư luận cũng ghi nhận và đánh giá cao cách xử lý, giải quyết vấn đề với những biện pháp cụ thể, hợp tình hợp lý của Nhà nước, Chính phủ VN.

Bài học về sự phát triển

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, cũng như trong bản kết luận nguyên nhân sự cố, đã có nhiều giải pháp cụ thể đưa ra để xử lý triệt để vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho các Bộ ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương… khẩn trương xây dựng kế hoạch sử dụng khoản bồi thường của Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Cụ thể là tiếp tục bồi thường trực tiếp cho những người bị thiệt hại bằng những con số cụ thể, công khai minh bạch, có sự giám sát của người dân; đề xuất giải pháp hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân, như hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với người dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ; chuyển đổi nghề nghiệp sang các ngành thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đề xuất khôi phục, tái tạo môi trường bị ô nhiễm, trong đó có việc tẩy rửa biển, xây dựng các thiết bị quan trắc môi trường, trồng lại san hô biển, tái tạo cá biển, thủy sinh…

Các chuyên gia cho rằng, khối lượng công việc là rất lớn và phải triển khai trên diện rộng trong thời gian dài, một lần nữa đòi hỏi vai trò trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi, nhất là việc quản lý, giám sát, thanh kiểm tra đối với các hoạt động của Formosa tại Hà Tĩnh thời gian tới, đặc biệt là vấn đề nhập khẩu hóa chất, xử lý chất thải của nhà máy.

Mặt khác, qua sự cố này, các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài; quản lý và bảo vệ môi trường tại VN; công tác thanh kiểm tra giám sát việc thực thi pháp luật, đặc biệt là của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các cơ quan trung ương và địa phương cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế của nhà nước là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng khẳng định: “Không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài mà bỏ qua môi trường. Chúng ta tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng không vì đó mà không xử lý nghiêm.”

Và trên hết, mỗi cán bộ công chức, địa phương cần phải ý thức rõ ràng trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích cộng đồng và tương lai đất nước lên trên lợi ích địa phương, cá nhân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường – an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bền vững.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sự cố môi trường tại miền Trung: Bài học đắt giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO