Nông sản lại ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn vài ngày qua
Tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị ùn ứ ở cửa khẩu với Trung Quốc xảy ra từ cuối năm ngoái, đến cận Tết đã giải tỏa được phần nào nhưng gần đây vẫn tái diễn.
Liên tục cảnh báo
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu đường bộ: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 15/02 là 1.932 chiếc (tăng 63 chiếc so với ngày trước). Trong đó, có tới 1.590 xe chở hoa quả chờ xuất khẩu, chiếm khoảng 82% tổng số xe đang chờ. Tổng số xe chờ xuất khẩu ở cửa khẩu Hữu Nghị là 985 chiếc (756 chiếc chở hoa quả); cửa khẩu Tân Thanh là 940 chiếc (834 chiếc chở hoa quả).
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết hiện nay, trên tuyến biên giới phía Bắc có 13/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động. Nhiều cửa khẩu đã quay lại làm việc rất sớm từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, tiến độ thông quan vẫn chưa được cải thiện. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc vẫn kiểm soát nghiêm ngặt virus SARS-CoV-2 trên bao bì nông sản với chiến lược "zero Covid" nên hiệu suất thông quan hằng ngày tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất thấp.
Tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (tỉnh Lào Cai), ngày 13/02 chỉ xuất khẩu được 128 xe, chủ yếu là chuối tươi, thanh long, dưa hấu, đậu xanh, gỗ ván bóc, tinh bột sắn, huyết đằng… Hiện nay, khoảng 110 xe tập kết tại khu vực cửa khẩu, trong đó có 105 xe container lạnh chở thanh long, xoài đang tập kết chờ xuất khẩu.
Dự báo có thể xảy ra đợt ùn ứ hàng hóa tiếp theo tại các cửa khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng những rủi ro của hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đặc biệt là xuất khẩu tiểu ngạch, trong thời gian qua đã thấy rõ. Do vậy, các địa phương sản xuất nông sản cần quan tâm hơn nữa và có biện pháp thiết thực để kết nối nông dân, thương lái với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ở nước bạn.
Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo các địa phương, chủ hàng cần giữ bằng được an toàn dịch bệnh trên bao bì hàng hóa, nông sản xuất khẩu, phương tiện vận chuyển. Bởi lẽ, nếu phát hiện có virus trên bao bì, hàng hóa, phía Trung Quốc sẽ lại đóng cửa khẩu và dừng nhập loại hàng hóa đó.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tìm cách tháo gỡ ách tắc nhưng khuyến cáo các DN đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương sản xuất nông sản tập trung với sản lượng lớn cần tăng cường những hoạt động kết nối với hệ thống phân phối trong nước và DN sản xuất, chế biến để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Các địa phương, DN cũng cần chủ động xúc tiến thương mại trực tiếp hoặc trực tuyến, đặc biệt là thúc đẩy xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước.
Nhìn nhận xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc còn bấp bênh, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây và nông sản nói chung, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung - cầu, giao thương giữa các bên để tránh ùn tắc, đặc biệt là vào các dịp cao điểm thu hoạch hoặc cuối năm như gần Tết Nguyên đán vừa qua. Ngoài ra, tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại nông sản xuất sang Trung Quốc hơn.
Về phía địa phương, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, nhấn mạnh bên Trung Quốc ngày càng siết chặt các điều kiện về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, các DN cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc, cũng như việc ký kết hợp đồng với tư thương Trung Quốc dựa theo các thông lệ quốc tế.
"Hiện nay, tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều. Hàng hóa khi sang Trung Quốc, bạn hàng có quyền lựa chọn và quyết định mua hay không, chúng ta không định đoạt được. Điều này dẫn đến việc hàng hóa có thể bị ùn ứ và ảnh hưởng chất lượng" - ông Tường nêu thực trạng.
Tại Lào Cai, Sở Công Thương tỉnh cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, phía huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm trên phương tiện và hàng hóa nông sản (thanh long, tinh bột sắn...), phát hiện một số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Phía Trung Quốc thông báo nếu còn phát hiện trường hợp tương tự sẽ áp dụng biện pháp quản lý khống chế tạm thời đối với hàng đông lạnh, đặc biệt là quả thanh long.
Vì vậy, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đề nghị các địa phương khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, DN, thương nhân tăng cường phòng chống dịch, kiểm soát tốt các khâu - từ thu hoạch đến bốc xếp, đóng gói hàng hóa; chủ động kiểm soát, phun khử khuẩn phương tiện, hàng hóa ngay từ khâu đóng gói, xếp hàng lên phương tiện để bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.