Biển thông tin về khu vực ULEZ tại Anh - Ảnh: Getty Images
ULEZ được triển khai nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí độc hại và bảo vệ sức khoẻ của người dân, theo thông cáo báo chí từ văn phòng thị trưởng thành phố London, Sadiq Khan.
Các phương tiện giao thông tại London phải đáp ứng yêu cầu giảm một nửa lượng khí thải ô xít nitơ (NOx) độc hại - nguyên nhân góp phần gây ra cuộc khủng hoảng về sức khoẻ do tình trạng ô nhiễm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, ung thư, mất trí nhớ và hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm, thông cáo trên cho biết.
"Hôm nay là một ngày đáng nhớ của chúng ta. Bầu không khí ô nhiễm là kẻ giết người vô hình, gây ra một những vấn nạn về sức khoẻ quốc gia lớn nhất của thế hệ chúng ta", ông Khan nói trong thông cáo. "ULEZ là tâm điểm của kế hoạch làm sạch bầu không khí của London và cả thế giới đang dõi theo chúng ta".
Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 8/4, các phương tiện gây ô nhiễm, gồm một số loại ôtô, xe bán tải, xe máy, sẽ phải chịu mức phí 12,5 Bảng (khoảng 16 USD) mỗi ngày khi đi vào khu vực ULEZ. Đối với xe tải, xe bus, mức phí này là 100 Bảng (130 USD). ULEZ áp dụng cùng khu vực đã thu Phí Tắc đường hiện tại cho tới năm 2021, trước khi mở rộng sang khu vực lớn hơn.
Lái xe có thể kiểm tra xem phương tiện của họ có đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải của ULEZ hay chưa thông qua một công cụ trực tuyến của cơ quan quản lý giao thông London.
ULEZ là giai đoạn tiếp theo trong một kế hoạch với mục tiêu làm sạch bầu không khí của London, bắt đầu với T-charge - một loại phụ phí áp dụng với các phương tiện gây ô nhiễm nặng tại trung tâm thành phố, được triển khai vào tháng 2/2017. Theo số liệu chính thức, từ đó đến nay, số lượng phương tiện đi vào khu vực này đã giảm khoảng 11.000 lượt/ngày và số lượng phương tiện tuân thủ quy định về khí thải tăng 55%.
Đội xe bus đỏ hai tầng biểu tượng của London cũng đang được nâng cấp và toàn bộ 9.200 chiếc sẽ đáp ứng hoặc vượt tiêu chuẩn của ULEZ vào tháng 10/2020, theo văn phòng thị trường London. Hiện tại, có khoảng 2 triệu người London đang sống tại những khu vực có lượng khí thải nitơ dioxit vượt quá giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU).
Ô nhiễm không khí gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm mỗi năm, theo thị trường thành phố London - Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào tháng 11/2018 đặt nghi vấn về tính hiệu quả của các khu vực khí thải thấp được triển khai tại London từ năm 2008 khi không có dấu hiệu suy giảm số lượng trẻ em mắc bệnh về phổi và hen suyễn tại thành phố này. Các tác giả của nghiên cứu này kêu gọi có thêm nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa nhằm cải thiện sức khoẻ hô hấp cho trẻ em.