Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa đến thị trường Trung Đông

05/04/2016 16:43

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Tại khu vực Trung Đông, Việt Nam hiện đang hợp tác với 15 quốc gia, trong đó có 8 quốc gia có quan hệ thương mại chủ yếu, bao gồm: Saudi Arabia, Iran, United Arab Emirates (UAE), Kuwait, Iraq, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) và Ai Cập. Trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Đông phát triển tốt, trao đổi thương mại hai chiều tăng nhanh, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu.

(Vietnam Logistics Review)Tại khu vực Trung Đông, Việt Nam hiện đang hợp tác với 15 quốc gia, trong đó có 8 quốc gia có quan hệ thương mại chủ yếu, bao gồm: Saudi Arabia, Iran, United Arab Emirates (UAE), Kuwait, Iraq, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) và Ai Cập. Trong những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Trung Đông phát triển tốt, trao đổi thương mại hai chiều tăng nhanh, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo đánh giá của PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Trung Đông trong những năm gần đây đã nổi lên như một khu vực phát triển tương đối năng động của thế giới. Đây là một khu vực phát triển hết sức đa dạng với nguồn thiên nhiên phong phú, nổi bật là dầu mỏ và một số tài nguyên quý. Mặc dù tình hình an ninh, chính trị còn bất ổn nhưng nền kinh tế khu vực này đang phát triển, nổi bật là Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đóng vai trò quyết định trong OPEC, đứng thứ 4 thế giới về "tự do tài chính".

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa VN và các nước Trung Đông có những bước tăng trưởng đáng kể. Số lượng mặt hàng VN XK sang Trung Đông đã lên đến hơn 100 loại hàng hóa. Khu vực này, những năm gần đây cũng có những thay đổi quan trọng khi các nước trong khu vực đặc biệt là Saudi Arabia, United Arab Emirates bắt đầu đầu tư nhiều hơn về tài chính và các dịch vụ giải trí cao cấp, biến khu vực này trở thành nơi tập trung của các DN và du khách nước ngoài. Việc khẳng định chỗ đứng của hàng hóa VN tại thị trường này sẽ góp phần mở rộng danh tiếng của VN đến các khách hàng trên toàn thế giới.

Hầu hết các nước khu vực Trung Đông là những nước có nền nông nghiệp chưa phát triển, năng suất thấp, không đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm cho người dân nên nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại trái cây miền nhiệt đới là rất cao. Đây sẽ là thị trường tiềm năng NK các mặt hàng nông sản của VN. Thêm vào đó, nhu cầu thủy sản để thay thế cho thịt trong các bữa ăn tại đây tăng làm cho nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản từ VN cũng tăng đáng kể. Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á và Nam Á thuộc Bộ Công Thương khẳng định, các nước Trung Đông có nhu cầu lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, sữa,... Đây là cơ hội lớn để các DN VN hợp tác với các nước trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc khối Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC), nơi áp dụng thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.

XK giày dép những năm gần đây luôn được xem là mặt hàng XK quan trọng trong cơ cấu mặt hàng XK của VN. Năm 2015 kim ngạch XK mặt hàng này đạt 9,42 tỷ USD. Đây là những tín hiệu tốt cho hoạt động XK giày dép của VN.

Bên cạnh đó, các nước Trung Đông còn có nhu cầu cao về vật liệu xây dựng, dây điện và cáp điện, sản phẩm nội thất, thực phẩm chế biến, sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, máy móc thiết bị văn phòng,… vốn là những mặt hàng thế mạnh của VN cũng đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2009, VN XK sang Trung Đông khoảng 37,5 triệu USD mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện, đến năm 2015 con số này đã lên tới 6,28 tỷ USD (chiếm 62% tổng kim ngạch XK đến khu vực này).

Biểu đồ: Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang một số quốc gia/khu vực giai đoạn 2010 – 2015 (đơn vị: tỷ USD)

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2015

Giải pháp tăng cường xuất khẩu đến thị trường Trung Đông

Tuy các số liệu XK của VN ở thị trường này có tăng nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được nhiều tiềm năng của thị trường này. Nhìn chung, sản phẩm XK của VN vẫn không đủ sức cạnh tranh với các nhà XK từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... về chất lượng cũng như giá cả. Để khai thác tốt thị trường nhiều tiềm năng này cần đến sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước và DN.

Các DN phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình. Cần có định hướng chiến lược đảm bảo các mục tiêu: nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc chuyển hóa các lợi thế so sánh tĩnh và sẵn có vào giá trị sản phẩm được cung cấp trực tiếp cho khách hàng; chú trọng việc cải thiện và phát triển các kênh phân phối; tích cực tham gia và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành; tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, các DN cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu đặc trưng từ thị trường. Song song đó, các DN nội địa cần đẩy mạnh việc liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế.

Về phía nhà nước, các cơ quan nhà nước cần tăng cường quan hệ giữa các bộ ngành, chính phủ giữa hai bên; thiết lập các khuôn khổ pháp lý như đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các nước; đồng thời tiếp cận các doanh nghiệp, đối tác nhập khẩu ở nước ngoài để giới thiệu sản phẩm XK trong nước và cung cấp thông tin liên hệ của đối tác về nước.

Do đặc trưng của các DN VN chủ yếu có quy mô nhỏ nên việc tương tác giữa nhà nước và DN trong vấn đề đầu tư công nghệ sản xuất cũng như đăng ký nhãn hiệu trong nước và cả nước ngoài là yêu cầu cấp thiết cho tình hình phát triển hiện nay. Thực tế cho thấy, càng ngày công nghệ càng có ý nghĩa chủ đạo và quyết định hơn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi bước ra trường quốc tế. Nhà nước cần kết hợp với các viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng công nghệ,… nghiên cứu thiết kế, cải tiến, sửa đổi để tạo sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất đặc thù và yêu cầu chế tạo tại VN từ đó đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa công nghệ.

Song song với việc đầu tư vào các mối quan hệ, chất lượng sản phẩm và sản xuất thì việc xây dựng và quản lý chất lượng là điều tất yếu, đây một loại tài sản vô hình có giá trị lớn và lâu dài. Đối với những DN mới bắt đầu bước vào thị trường quốc tế, khi lên kế hoạch cho chiến lược phát triển các nhãn hiệu quốc tế của mình, các DN cần phải đăng ký thương hiệu ở trong nước và đặc biệt ở nước ngoài.

Khi các DN có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm lẫn thương hiệu cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Việc này không chỉ nâng cao giá trị XK cho các DN trong nước mà hình ảnh về thương hiệu “made in Vietnam” cũng sẽ được cải thiện. Uy tín từ thị trường này sẽ là bước đệm quan trọng để VN đẩy mạnh hơn nữa việc XK sang thị trường lân cận như châu Âu và các thị trường lớn khác.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa đến thị trường Trung Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO