Thực thi các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Biên Tập|20/07/2022 17:13

Việt Nam đã ký kết một số FTA thế hệ mới, bao gồm CPTPP, EVFTA, UKVFTA, VN-EAEU FTA…. Các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội, song cũng tạo ra nhiều khó khăn mới cho Việt Nam trong quá trình phát triển. Vừa qua, tại trụ sở 1B Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực thi các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”. Tham dự Tọa đàm có nhiều đại biểu, các vị khách quý, chuyên gia, nhà khoa học

1.jpg
TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm

Cùng với quá trình cải cách, đổi mới và phát triển trong gần 4 thập niên qua, Việt Nam cũng đã tích cực, kiên định và chủ động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ chỗ ban đầu tham gia AFTA (1995), được coi là sân tập thể dục khu vực ASEAN, Việt Nam đã lần lượt tham gia 15 hiệp định thương mại tự do song phương, nhất là đa phương và gần đây đã tham gia 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA với nhiều tiêu chuẩn rất cao, ngặt nghèo và nhạy cảm đối với nước ta một nước đang chuyển đổi, đang phát triển và đang kiện định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong một thế giới nhiều biến động và phân cực mạnh mẽ như hiện nay.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, CPTPP và EVFTA, với các chuẩn mực mới là phải mở cửa thị trường rất nhanh, đáp ứng các tiêu chuẩn phi thương mại ngặt nghèo liên quan tới các vấn đề vệ sinh dịch tễ, môi trường sống, nhất là vấn đề khá nhạy cảm như lao động, công đoàn tự do, tạo ra nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Thương mại, nhất là xuất khẩu của Việt Nam sang EU (nhất là các thành viên lớn) và các nước CPTPP (nhất là các thành viên trước đó chưa có FTA với Việt Nam) đã tăng trưởng tương đối nhanh bất chấp một yếu tố bất lợi như: một số mặt hàng may mặc chưa được hưởng ưu đãi ngay thậm chí tăng thuế quan khi bỏ GSP (trong EVFTA), Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, chi phí vận tải, logistic tăng mạnh, gián đoạn toàn cầu trong giai đoạn phục hồi, dưới tác động của khủng hoảng năng lượng, Chiến sự Nga – Ucraina và chiến lược Tận diệt Covid (zerocovid) của Trung Quốc. Sự tăng trưởng đạt được có phần quan trọng là tác động tích cực từ CPTPP (có hiệu lực ở việt Nam ngày 24/1/2019) và EVFTA (có hiệu lực từ 1 tháng 8/2020). VỚI những điều kiện bất thường trong nhiều năm thực hiện FTA thế hệ mới, việc đánh giá những kết quả đạt đươc, nhất là nhận dạng những vấn đề vướng mắc và nguyên nhân khi thực hiện CPTPP, EVFTA cũng như thách thức, cơ hội trong thời gian tới là rất cần thiết để giup chính phủ, doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA này mang lại và vượt qua những thách thức trong một thế giới bất định, đầy cú sốc như gần đây.

TS. Lê Xuân Sang bày tỏ mong muốn, Tọa đàm sẽ tập trung vào thảo luận các vấn đề sau: (i) Kết quả, tác động của FTA thế hệ mới, nhất là EVFTA đối với thương mại Việt Nam từ khi có hiệu lực đến nay; (ii) Việc triển khai thực hiện, nhất là vấn đề pháp lý, tổ chức thực hiện, đâu là thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân; (iii) Doanh nghiệp Việt đã tận dụng các FTA như thế nào, đâu là khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, thị trường và sự hỗ trợ của Chính phủ; (iv) Cơ hội, thách thức trong thời gian tới và đâu là giải pháp hữu hiệu?...

Tọa đàm tập trung thảo luận 4 nội dung: (i) Đánh giá việc thực thi các FTA thế hệ mới từ góc nhìn của doanh nghiệp của TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI); (ii) Một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) của TS. Nguyễn Thị Hằng, Viện Nghiên cúu Châu Phi và Trung Đông; (iii) Logictic và vận tải hàng không trong điều kiện thực thi các Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới của TS. Trần Thế Tuân, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải; (iv) Tác động của Hiệp định thương mại tự do EVFTA đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam của TS. Trần Mai Trang, Viện Kinh tế Việt Nam.

2.jpg
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI phát biểu, trình bày tham luận tại Tọa đàm

Bàn về một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) của TS. Nguyễn Thị Hằng, Viện Nghiên cúu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, việc thực thi Hiệp định EVFTA đã tạo xung lực mới cho quan hệ Việt Nam - EU, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Sau gần hai năm thực hiện, quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU đã đạt được những thành tựu nổi bật, bên cạnh đó quá trình thực thi Hiệp định cũng gặp phải những khó khăn, rào cản nhất định cần phải khắc phục, giải quyết trong thời gian tới.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020, đến tháng 11-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 12,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 và cải thiện so với mức giảm 5,9% trong 7 tháng đầu năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-1.

EU đã trở thành một trong ba thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặc dù tác động tích cực của hiệp định bị kìm hãm đáng kể bởi đại dịch; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tính đến 31/7/2021 vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24%. Về đầu tư, lũy kế hết tháng 9/2021, các nước EU đầu tư sang Việt Nam khoảng 2.249 dự án, chiếm gần 6,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn là khoảng 22,27 tỷ USD.

Trên cơ sở phân tích tình hình, TS. Nguyễn Thị Hằng cho rằng, EVFTA được thực thi giúp Việt Nam mở rộng cửa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ EU, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thuận lợi cho thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực, như: dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến.

Với các cam kết tự do hóa đầu tư trong EVFTA, các doanh nghiệp EU sẽ được hưởng ưu đãi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật của Việt Nam để phù hợp với EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp EU nói riêng được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với hoạt động đầu tư sáng tạo. Do vậy, EVFTA được đánh giá sẽ tạo ra những cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hút các nhà đầu tư từ EU, nhất là trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ...

3.jpg
TS. Trần Thế Tuân, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải phát biểu, trình bày tham luận tại Tọa đàm

Khi đánh giá về vận tải hàng không trong điều kiện thực thi các Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, TS. Trần Thế Tuân, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, mang tính thời đại và chi phối mọi quốc gia. Việt nam cũng không năm ngoài xu hướng đó và đã từng bước hội nhập quốc tế. Sau hơn ba mươi năm thực hiện chủ trương chỉ hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển thành “tích cực, chủ động và thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới”. Tính đến nay, Việt nam là một trong những quốc gia có số FTA đứng đầu thế giới. Từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, từ khu vực ra thế giới, từ kinh tế sang các lĩnh vực khác là con đường hội nhập đúng đắn và đảm bảo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Các FTA giúp Việt Nam nâng cao nội lực, củng cố vị thế thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hơn thế nữa, Hiệp định Thương mại tự do này thúc đẩy nhiều hơn xuất khẩu của Việt Nam vào EU – một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, người tiêu dùng trong nước cũng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với hàng hóa châu Âu có giá và chất lượng tốt.

Trên cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, TS. Trần Thế Tuân gợi ý một số kiến nghị giải pháp cho doanh nghiệp và các ngành hàng không.Thứ nhất, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận với nguồn thông tin hữu ích từ công tác tuyên truyền, phổ biến ở các bộ, ban, ngành. Cần phải hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ về các nội dung của các FTA nói chung. Thứ hai, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới với những cam kết cao về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, mỗi doanh nghiệp cần phải đưa ra cho doanh nghiệp mình những giải pháp cụ thể và thiết thực, hợp lý với hoàn cảnh của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải tỏa những nút ghẽn về nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định...

Thảo luận về tác động của Hiệp định thương mại tự do EVFTA đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam, TS. Tràn Mai Trang, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, EU là thị trường lớn của nông sản Việt Nam. Nông sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi từ những ưu đãi thuế quan do Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đem lại. Tuy nhiên, tham gia Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam. Trên thực tế, hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam vẫn chưa đạt được sự đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật trong từng lô hàng, chưa đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường EU.


Tọa đàm nhận được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề về các hiệp định FTA thế hệ mới cũng như phân tích các cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu của Việt nam trong bối cảnh FTA có hiệu lực nhằm đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thực thi các FTA thế hệ mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO