Thương mại điện tử trước tác động của COVID-19

ThS. Trần Thu Thủy|23/06/2020 08:56

(VLR) Thời gian qua, các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội nhằm phòng chống COVID-19, người tiêu dùng đã dần chuyển đổi hình thức mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến. Trước xu hướng này, các nhà bán lẻ truyền thống cũng đang dịch chuyển hoặc đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến. Nhiều chuyên gia nhận định, đang có nhiều cơ hội để ngành thương mại điện tử (TMĐT) bứt phá.

Thay đổi hình thức bán hàng truyền thống

Việt Nam là quốc gia đạt được sự thành công to lớn trong phòng tránh dịch COVID-19 nhưng những hệ lụy từ các nỗ lực giãn cách xã hội, hạn chế kinh doanh, và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng cũng tác động không nhỏ tới nền kinh tế.

Các ảnh hưởng này đặc biệt rõ nét với hoạt động bán lẻ hàng hóa truyền thống. Theo Tổng Cục thống kê, quý 1 năm 2020, doanh số bán lẻ ngành hàng dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành lần lượt giảm gần 10% và 28% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách hàng đến mua sắm ở các trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP. HCM cũng giảm xấp xỉ 80%. Thống kê của một số trung tâm siêu thị, điện máy lớn như siêu thị Mediamart, doanh thu hàng điện máy giảm từ 30% - 40%; Tổ hợp thương mại - siêu thị Aeon Việt Nam có số lượng khách hàng đến mua sắm giảm 20% - 35%. Lượng hàng hóa được tiêu thụ chậm lại, riêng mảng đồ ăn nhanh, ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn được bán nhanh hơn với số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước. Tuy nhiên, loại hình mua sắm online sẽ được hưởng lợi nhất, tiếp đến là các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ. Điều này không có nghĩa là nhu cầu của người tiêu dùng giảm đi mà thực chất là đang chuyển đổi nhiều hơn sang phương thức mua sắm trực tuyến với các mặt hàng thiết yếu. Người tiêu dùng có xu hướng gia tăng sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến, các sàn TMĐT do ưu điểm không phải di chuyển đến những nơi đông người, hàng hóa được vận chuyển tiện lợi, nhanh chóng. (Xem hình 1)

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ từ truyền thống đã phải dịch chuyển hoặc đẩy mạnh các hoạt động mua sắm trên các kênh trực tuyến. Đây chính là cơ hội cho TMĐT bứt phá.

Cơ hội cho thương mại điện tử

Đại dịch toàn cầu COVID-19 làm hạn chế đi lại và giãn cách xã hội làm phát sinh nhu cầu giao dịch trực tuyến. Xu hướng tiêu dùng và thói quen mua sắm của người dân đang được dịch chuyển dần sang hướng công nghệ số.

Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về tác động của COVID-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam thì doanh số bán lẻ quý I năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng nhẹ khoảng 4,7%. Tuy nhiên phần tăng này lại thuộc về kênh TMĐT. Công ty đo lường SimilarWeb cùng website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group vừa công bố bản đồ TMĐT Việt Nam quý I năm 2020 qua khảo sát và thống kê lượng truy cập của 50 trang TMĐT hàng đầu Việt Nam. Dữ liệu cho thấy, lưu lượng tìm kiếm và mua hàng trực tuyến các loại sản phẩm nước rửa tay khô và khẩu trang lần lượt tăng 680% và 610% trong tháng 2 so với tháng 1. Khi ca COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào tháng 3, người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn cũng là lúc ngành bách hóa trực tuyến chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Số lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh trong quý I tăng 49% so với quý IV của năm ngoái, mặc dù trước đây, tâm điểm của TMĐT Việt Nam không phải là bách hóa trực tuyến. Cũng theo iPrice Group, trong quý 1, sàn TMĐT Shopee giữ vị trí đứng đầu với trung bình khoảng 43 triệu lượt truy câp website/tháng, tăng thêm hơn 5 triệu truy cập so với quý trước. Tiki xếp thứ 2 về số lượt truy cập web đạt mức gần 24 triệu lượt truy cập/tháng, có mức độ phát triển nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút. Saigon Co.op và speedL cũng ghi nhận sự gia tăng cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến.

Doanh nghiệp ngành ẩm thực, các chuỗi nhà hàng ăn uống cũng nhanh chóng tham gia vào các ứng dụng giao hàng để duy trì hoạt động. Các thương hiệu bình dân chịu ít tác động hơn do phần lớn đã hoạt động trực tuyến để giảm thiểu chi phí. Các thương hiệu cao cấp và tầm trung cũng đẩy mạnh hoạt động giao hàng tận hàng nhà. Các nền tảng mới được các doanh nghiệp kích hoạt và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ và hỗ trợ cho các nhu cầu của khách hàng, ví dụ như nền tảng GrabMart. Sự gia tăng nhanh chóng các giao dịch trực tuyến này là do có khoảng 68% người dân sử dụng internet, con số này được kỳ vọng tăng lên 75% vào cuối năm nay.

Các doanh nghiệp TMĐT cần tận dụng cơ hội

Cơ hội mà đại dịch COVID-19 mang đến cho TMĐT Việt Nam là không thể phủ nhận, nhưng nắm bắt được hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực và độ linh hoạt ứng phó của từng doanh nghiệp. Đây cũng được xem như thách thức tận dụng lợi thế công nghệ số để tạo nên những thay đổi về số lượng và chất lượng. Dưới đây là một số gợi ý có thể tham khảo:

Tăng cường kết nối với người tiêu dùng: Tại Việt Nam số người dùng internet là 67 triệu (02/2020) và facebook là 46 triệu. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp TMĐT kết nối với những người theo dõi họ trong thời gian khó khăn này. Cần tập trung vào khách hàng bằng các kết nối sâu hơn, mặc dù có thể khó thu hút khách hàng mới tại thời điểm này, nhưng hãy tìm cách thu hồi khách hàng bị mất và thu hút khách hàng có giá trị cao hơn.

Duy trì quảng cáo: Có sự gia tăng đáng kể về lưu lượng truy cập internet khi mọi người đang làm việc, học tập và dành nhiều thời gian hơn cho các kênh trực tuyến. Do đó đây là cơ hội tốt cho quảng cáo về doanh nghiệp, sản phẩm và gia tăng uy tín thương hiệu trên thị trường. Cần có những chương trình quảng cáo sáng tạo để khẳng định vị trí của doanh nghiệp nhằm giúp giảm đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực vào công việc phục hồi khi kinh doanh trở lại bình thường.

Tập trung vào các sản phẩm ảo: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể gây khó khăn cho việc sản xuất và vận chuyển các sản phẩm vật chất. Do đó doanh nghiệp nên tập trung vào bất kỳ sản phẩm ảo nào doanh nghiệp có thể cung cấp vì không có rào cản với các sản phẩm ảo. Thẻ quà tặng, các lớp học, hướng dẫn, sách điện tử, âm nhạc... đều là những lựa chọn cần xem xét.

Tăng cường sự minh bạch: Các chuyên gia kêu gọi các doanh nghiệp TMĐT tránh tận dụng nỗi sợ hãi của khách hàng. Mặc dù một số chiến thuật dạng này có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng có thể gây ra thiệt hại lâu dài vì khách hàng sẽ nhớ phản ứng này. Ngược lại nên nắm bắt sự đồng cảm trong giao tiếp. 60% khách hàng cho rằng tính minh bạch từ các doanh nghiệp là quan trọng đối với họ và điều này là rất cần thiết trong thời điểm nhiều rủi ro như hiện nay.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử trước tác động của COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO