Theo ước tính, Myanmar đã đạt được xu hướng gia tăng về thu nhập quốc gia, lạm phát thấp hơn trong khi cán cân đối ngoại và cán cân tài chính có dấu hiệu cải thiện. Bên cạnh đó, đồng nội tệ của Myanmar (Kyat) tăng nhẹ trong suốt năm tài khóa 2017 – 2018 nhờ gia tăng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính tăng 6.4% trong tài khóa 2017 – 2018 từ mức 5.9% trong năm 2016 – 2017. Theo WB, xu hướng tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ sự phục hồi trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, sản xuất phát triển và tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực dịch vụ dù có dấu hiệu giảm nhẹ do tác động từ những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng và du lịch.
Theo báo cáo, viễn cảnh kinh tế khả quan với mức tăng trưởng được kỳ vọng đạt 6.8% trong năm 2018 – 2019. Lạm phát kỳ vọng sẽ giảm về mức 5.5% trong năm 2017 – 2018 từ mức 7% và tiếp tục giảm còn 4.9% trong năm 2018 – 2019.
Thành viên của WB, bà Ellen Goldstein nhận xét: “Xu hướng cải thiện và gia tăng về tình hình kinh tế vĩ mô của Myanmar là khá đáng khích lệ. Chính phủ cũng đang hoàn thiện Kế hoạch phát triển Mynamar bền vững và chúng tôi hy vọng kế hoạch này sẽ đóng vai trò như một nền tảng để gia tăng các cải cách kinh tế, hiện đại hóa lĩnh vực tài chính và đẩy mạnh quá trình giải quyết những xung đột có nguy cơ tác động đến tăng trưởng bền vững và toàn diện”.
Trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, Myanmar hiện có 9 cảng biển, trong đó Yangon Port là cảng tiếp nhận phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Myanmar; hàng hóa quốc tế thường cập bến cảng Sule, Bo Aung Kyaw, Asia World và Myanmar Industrial. Dự kiến trong 5 năm tới Yangon Port sẽ được nâng cấp và mở rộng gồm 41 cầu cảng (jetties) có thể tiếp nhận 43 tàu cùng lúc và có thể tiếp nhận 80 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thông thường việc làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng khá phức tạp, mất thời gian, tốn phí do đó DN VN nên đề nghị các công ty vận chuyển Myanmar đảm nhận luôn dịch vụ thông quan. Với các đối tác thương mại Myanmar, hình thức mua bán phổ biến là FOB Yangon khi họ bán, và CIF Yangon khi họ mua.
Myanmar cũng có nhiều tiềm năng trong phát triển logistics.
Myanmar có 3 con sông chính là Ayeyarwady, sông Thanlwin và sông Sittang với tổng cộng 14.900 km vận tải đường sông và 537 tàu vận tải các loại. Ngoài ra còn nhiều sông nhỏ khác tạo nên một mạng lưới đường sông thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa do đó phần lớn hàng hóa trong nội địa Myanmar được vận chuyển bằng đường sông. Các mặt hàng xuất khẩu như gỗ, khoáng sản… được vận chuyển bằng đường sông tới cảng Yangon và từ đó đi các nước.
Về đường hàng không, Myanmar hiện có Sân bay Quốc tế Yangon có thể đón 2,7 triệu lượt khách mỗi năm, dự kiến sẽ được mở rộng để có thể đón 3,8 triệu lượt khách một năm. Ngoài ra còn có khoảng 17 sân bay nội địa hoạt động hàng ngày phục vụ việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đến các địa phương. Myanmar có khoảng 6 hãng hàng không bao gồm một hãng hàng không nhà nước là Myanmar Airways, 4 hãng tư nhân là: Air Mandalay, Air Bagan, Asian Wings, Kanbawza, và một hãng hàng không liên doanh Myanmar Airways International (MAI). 13 hãng hàng không nước ngoài bay đến Yangon bao gồm: Air China, China Southern Airline, Thai Airways International, Indian Airlines, Qatar Airways, Silk Air, Malaysian Airlines, Bangkok Airways, Mandarin, Jetstar Asia, Phuket Airline, Thai Air Asia và Vietnam Airlines.
Các loại hàng hóa thường được vận chuyển bằng đường hàng không gồm những hàng hóa có giá trị cao, hàng có thời gian sử dụng ngắn, thực phẩm tươi sống, dệt may, linh kiện phụ tùng, hàng phát chuyển nhanh, hàng rời không có người đi kèm... Trong đó hàng thủy sản chiếm đến 80% lượng hàng vận chuyển, dệt may chiếm khoảng 10% và 10% các hàng còn lại. Tuy nhiên, tỉ lệ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không khá thấp do phần lớn các máy bay đang được khai thác nhỏ như ATR, Folker và chi phí khá đắt.
Về đường sắt, Myanmar có 6.550 km đường sắt, Hầu hết các tuyến đường sắt xây dựng từ thời thuộc Anh, chưa được cải tạo, nâng cấp nên tốc độ xe lửa rất chậm. Tuy nhiên do được chính phủ trợ giá nên chi phí vận chuyển bằng đường sắt khá rẻ. Từ Yangon, hành khách và hàng hóa có thể được vận chuyển đến nhiều thành phố, địa phương khác. Do đó những hàng hóa nặng, cồng kềnh có thể sử dụng phương thức này.
Về đường bộ, Myanmar có 115.830 km đường bộ nối liền các Bang, Vùng. Từ năm 2002, chính phủ Myanmar đã cho xây dựng tuyến đường cao tốc dài 700km nối liền 3 thành phố lớn nhất của Myanmar là Yangon – Nay Pyi Taw – Mandalay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.